Liệu pháp âm thanh có thể mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng tập trung và giảm lo lắng.
Âm thanh - Vị thuốc của tương lai
“Các bạn hãy kết hợp những động tác tay trên hình với tiếng nhạc. Đây là bài tập tăng khả năng tập trung cho người trưởng thành”, NSƯT - Nhạc trưởng Hoàng Điệp đứng giữa sân khấu nói với khán phòng 300 người.
Tiết tấu sôi động của bài nhạc được hòa với tiếng vỗ tay theo nhịp điệu. Dù cuộc thảo luận có tên “Âm nhạc là thuốc của tương lai” trong khuôn khổ Hội nghị Sức khỏe “Sống khỏe toàn diện” do Tạp chí NCĐT tổ chức đã quá thời gian khá lâu, nữ nhạc trưởng kiêm chuyên gia giáo dục âm nhạc và âm nhạc trị liệu thực nghiệm vẫn chứng minh được 3 phút bà dành cho việc demo trị liệu với âm nhạc đã đúng, khi nhìn thấy vẻ hào hứng trên gương mặt của những người tham dự.
Sự kết nối giữa quá khứ và tương lai
Vậy liệu âm nhạc, hay rộng hơn là âm thanh, món ăn tinh thần mà hầu như mỗi người chúng ta tiêu thụ hằng ngày, có phải là thuốc của tương lai? “Người Hy Lạp cổ đại chắc chắn nghĩ âm nhạc có ảnh hưởng đến sức khỏe”, Tiến sĩ Anthony Komaroff của Trường Y khoa Harvard, trả lời trong Ấn phẩm Sức khỏe Harvard, “Họ đặt một vị thần, Apollo, phụ trách cả việc chữa bệnh và âm nhạc”.
Các nghiên cứu y khoa dường như xác nhận những gì người Hy Lạp nghĩ. Âm nhạc dường như làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm mức độ hormone gây căng thẳng. Âm nhạc cũng có thể giúp giảm bớt đau tim và đột quỵ cho những bệnh nhân đang phẫu thuật...
Âm nhạc phát huy những lợi ích này như thế nào? Một số nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể thúc đẩy khả năng tạo ra những kết nối mới giữa các tế bào thần kinh của não.
Một ý tưởng khác là âm nhạc phát huy tác dụng kỳ diệu của mình thông qua nhịp điệu. Con người là những sinh vật có nhịp điệu: nhịp tim, hơi thở và sóng não của chúng ta đều có nhịp điệu. Não bộ và hệ thần kinh của con người được lập trình cứng để phân biệt âm nhạc với tiếng ồn và phản ứng với nhịp điệu và sự lặp lại, âm điệu và giai điệu.
Một nghiên cứu thị trường do Growth Market Reports công bố vào năm 2023 chỉ ra quy mô thị trường trị liệu âm nhạc đạt 1,12 tỉ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ đạt 2,26 tỉ USD vào năm 2032 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 8,1%. Sự tăng trưởng của thị trường là do nhận thức ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe mà liệu pháp âm nhạc mang lại.
Liệu pháp âm thanh là phương pháp điều trị toàn diện sử dụng tần số rung động của âm thanh để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và sức khỏe. Bắt nguồn từ các truyền thống cổ xưa, phương pháp này sử dụng nhiều công cụ khác nhau như âm thoa, bát hát (singing bowl), cồng chiêng và thậm chí cả giọng nói của con người để tạo ra sóng âm cộng hưởng với cơ thể. Những sóng âm này được cho là giúp cân bằng các trung tâm năng lượng của cơ thể, được gọi là luân xa, giảm căng thẳng và làm dịu cơn đau về thể chất và tinh thần.
Nghiên cứu cho thấy liệu pháp âm thanh có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng tập trung và giảm lo lắng. Sóng âm giúp tạo ra trạng thái thiền định, tạo điều kiện thư giãn sâu và giải phóng căng thẳng. Liệu pháp này cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng giấc ngủ và hỗ trợ sức khỏe tinh thần tổng thể bằng cách thúc đẩy chánh niệm và sự minh mẫn về mặt cảm xúc.
“Thị trường liệu pháp âm thanh đang có sự tăng trưởng đáng kể do nhận thức ngày càng tăng về lợi ích điều trị của nó và nhu cầu ngày càng tăng đối với các phương pháp điều trị không xâm lấn”, Growth Market Reports phân tích. Liệu pháp âm thanh, sử dụng sóng âm và rung động để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần khác nhau, đang thu hút sự chú ý của những cá nhân đang tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh thay thế và toàn diện.
Mục tiêu chính của liệu pháp âm thanh là thư giãn. Những âm thanh tốt nhất để thư giãn là những âm thanh có chiều sâu và giai điệu chậm, cũng như những bài hát có tần số thấp hơn và chuyển tiếp chậm. Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Đại học California thực hiện đã phát hiện ra rằng thiền kết hợp với chuông xoay Tây Tạng làm giảm đáng kể căng thẳng và tức giận, đặc biệt là ở những người mới thực hành loại hình này.
Theo Viện Nghiên cứu Căng thẳng Mỹ, 77% người Mỹ bị căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Hơn nữa, Gallup tuyên bố rằng khoảng 1/3 số người trên thế giới cho biết họ cảm thấy căng thẳng, lo lắng, tức giận trong năm 2019. Số lượng lớn những người bị đau tâm lý này dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường liệu pháp âm thanh trong khung thời gian dự kiến.
Nhưng âm nhạc không chỉ dành cho trẻ nhỏ hay người bệnh, trị liệu âm nhạc dành cho tất cả mọi người. Nhiều rối loạn hiện đại liên quan đến căng thẳng và liệu pháp âm thanh có thể giúp làm giảm các triệu chứng này. Huyết áp cao, đau dạ dày, buồn bã và đau khớp đều là các triệu chứng của căng thẳng và lo lắng. Âm thanh tạo ra bầu không khí chữa lành, trong đó cơ thể và tâm trí có thể cùng nhau chữa lành. Ngủ ngon hơn, ít đau mãn tính hơn, huyết áp ổn định hơn, mức cholesterol thấp hơn và ít nguy cơ mắc bệnh tim hơn là tất cả những lợi ích của liệu pháp âm thanh.
Sau khi sinh, âm nhạc giúp trẻ phản ứng tốt hơn. Âm nhạc cũng có thể giúp giảm và duy trì nhịp tim ổn định, tăng tốc độ bú, hỗ trợ tăng cân cho thai nhi và tạo ra giấc ngủ sâu hơn. Hành vi tích cực của trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của âm nhạc. Hơn nữa, mức độ căng thẳng cao ở các bà mẹ tương lai có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
Âm nhạc và ca hát có tác dụng xoa dịu tinh thần ở cả bà mẹ mang thai và thai nhi, góp phần tạo nên một em bé khỏe mạnh và hạnh phúc sau này. Vì âm nhạc kích thích các kết nối nơ-ron trong não, nên việc nghe tất cả các loại nhạc đều thúc đẩy sự phát triển não bộ sớm ở thai nhi. Âm nhạc kích thích não của thai nhi và hỗ trợ sự phát triển của các cấu trúc não. Đây cũng là một yếu tố hỗ trợ sự phát triển của thị trường liệu pháp âm thanh.
Cung bậc chữa lành
Tuy vậy, Growth Market Reports cảnh báo lạm dụng âm nhạc, hay nghe nhạc quá nhiều sẽ đem đến tác dụng phụ. Về mặt gợi lại những ký ức không mong muốn, âm nhạc chỉ đứng sau mùi hương. Điều này có thể liên quan đến nhu cầu tiến hóa để xử lý âm thanh nhanh chóng như một chiến lược sinh tồn. Mặc dù kích hoạt trí nhớ đôi khi có thể tạo ra những khoảnh khắc sáng suốt ở những người mắc chứng mất trí nhớ, nhưng nó có thể gây hại cho những bệnh nhân mắc chứng PTSD không muốn nhớ lại một số ký ức nhất định, do đó cản trở sự phát triển của thị trường liệu pháp âm thanh trong khoảng thời gian phân tích.
Mặc dù âm nhạc có thể giúp giải quyết các vấn đề lo lắng trong một số trường hợp, nhưng nó cũng có thể gây ra hoặc làm tăng sự lo lắng ở những trường hợp khác. Ở những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, âm nhạc không phù hợp có thể gây ra sự đau khổ và lo lắng. Lời bài hát có thể ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái tinh thần của khách hàng đang được nhà trị liệu điều trị. Một số lời bài hát có thể truyền tải quan điểm tiêu cực và cuối cùng có thể làm tăng thêm nỗi buồn của một người. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những người bị trầm cảm.
Do đó, các chuyên gia khuyên rằng thay vì chỉ trông chờ vào bác sĩ và chuyên gia, mỗi người cần ý thức được trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Việc tự chăm sóc sức khỏe một cách đúng đắn sẽ giúp giảm tải cho các bác sĩ và chuyên gia, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho bản thân.
Trước khi từ “chữa lành” bị mạng xã hội lạm dụng, đây là một từ nói lên trạng thái con người tìm được bình yên sau khi bị vùi dập trong cơn bão cuộc đời. “Sound healing”, chữa lành bằng âm thanh, là một cụm từ để chỉ việc dùng âm thanh đưa con người có tâm hồn tơi tả ấy trở về chốn bình yên.
“Không chỉ tiếng chuông, mà mọi âm thanh phù hợp đều có thể chữa lành”, ông Santa Ratna Shakya, chuyên gia trị liệu và giảng dạy liệu pháp chuông xoay, nhà sáng lập Shakya Kasa Research Center, bộc bạch. Vị chuyên gia này đã lớn lên cùng với âm vang của chiếc singing bowl ở Nepal, người đã đi khắp thế giới để giảng dạy liệu pháp chuông xoay, cho biết mọi âm thanh của tự nhiên, bao gồm tiếng mưa, tiếng gió thổi xào xạc, tiếng côn trùng nỉ non… đều có thể mang đến sự thư giãn và chữa lành cho một tâm hồn đang có nhiều vướng mắc.
Lần tới, trước khi bạn tìm đến một loại thuốc chữa chứng mất ngủ nào đó, hãy thử một bản ghi âm tiếng mưa.