Thái Huệ Thứ Sáu | 15/11/2024 10:49

A.I thổi hồn cho ảnh cũ

Nhờ A.I, những bức ảnh cũ được phục dựng mới mẻ, chân thật và mang theo một giá trị mới.

Mới đây, nhóm họa sĩ trẻ của tổ chức Trái Tim Người Lính Việt Nam, có trụ sở tại TP.HCM, phối hợp với Câu lạc bộ Mãi Mãi Tuổi 20 phục dựng màu cho di ảnh chân dung 10 nữ dân quân đã hy sinh khi bom Mỹ trút xuống quê hương Lam Hạ (tỉnh Hà Nam). Trong đó, có liệt sĩ Nguyễn Thị Thi hy sinh khi chỉ mới 16 tuổi, không để lại di ảnh nào. Vì vậy, nhóm phải đối chiếu với một bức tranh trắng đen phác họa nữ liệt sĩ trong đền thờ để phục dựng bằng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I). Bức ảnh phục dựng được người thân của nữ liệt sĩ xúc động xác nhận rất chân thật và sống động.
 
Trước đây, những công việc này do các tiệm ảnh truyền thần thực hiện với tính nghệ thuật cao và dựa vào tay nghề của các hoạ sĩ. Tuy nhiên, giá cả của một bức ảnh truyền thần từ vài triệu đến cả chục triệu đồng nên không phải ai cũng có thể tiếp cận dịch vụ này. Sau đó, phần mềm Photoshop ra đời, giúp việc chỉnh sửa ảnh trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, cùng với các tính năng thông minh, A.I đang giúp việc chỉnh sửa ảnh ngày càng đa dạng hơn.

Công nghệ này trở nên có ý nghĩa và nhân văn hơn khi được nhiều người sử dụng để phục vụ cho các hoạt động xã hội như những dự án phục dựng ảnh các liệt sĩ. Trước đó, ứng dụng công nghệ A.I kết hợp với sáng tác, các thành viên của dự án cộng đồng AICOMIC đã phục dựng ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc. Anh Nguyễn Văn Khánh, đồng sáng lập dự án AICOMIC, cho biết dự án ra đời nhằm chứng minh công nghệ A.I có thể áp dụng nhiều vào đời sống thực tiễn. “A.I nhận diện được cấu trúc của khuôn mặt, để đẩy thêm các điểm ảnh ở phần thiếu, giúp gương mặt hoàn thiện hơn dù hình ảnh gốc không rõ. Sau đó, nhóm còn dành thời gian sáng tạo để những bức ảnh thêm sinh động, tự nhiên hơn bằng cách đưa phong cảnh gần gũi cuộc sống vào”, anh Khánh nói.
 
Anh Lê Quyết Thắng là 1 trong 6 thành viên của nhóm TeamLee, vẫn âm thầm phục dựng ảnh các liệt sĩ, thậm chí tái hiện bằng cả video hình ảnh chuyển động mẹ Suốt chèo thuyền trên sông để đem tặng thân nhân của họ. “Với phục hồi ảnh cũ, điều quan trọng nhất là phải giữ nguyên được 100% nguyên bản theo ảnh gốc một cách chân thật nhất”, anh Thắng nói.
 
Với sự phát triển của công nghệ A.I, các ứng dụng số có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong thời gian ngắn. Những quyển sách vô tri, những bức ảnh có các chi tiết bất thường được sáng tác bởi A.I đang khiến giới văn học và nhiếp ảnh bối rối. Nhưng ở khía cạnh khác, khi được sử dụng đúng mục đích, A.I lại đang mang đến mặt tích cực của công nghệ.

Trong đó, ảnh phục dựng cũng không đơn thuần chỉ là sản phẩm của công nghệ, mà vẫn đòi hỏi yếu tố tay nghề, kinh nghiệm và cả khả năng sáng tạo của người thực hiện. Tiệm ảnh Thanh Xuân tại Tam Kỳ, Quảng Nam những năm gần đây gây chú ý bởi dụng công phục dựng một loạt ảnh xưa quý hiếm chụp các danh nhân, giai nhân xưa, người xưa cảnh cũ, ảnh cưới ông bà, anh hùng liệt sĩ.
 
Tiệm ảnh này đã phục dựng loạt ảnh quý hiếm như phụ nữ Hà Nội xưa, giai nhân Vũ Thị Hòa Vân; người đàn ông mặc chiếc áo tơi bằng lá cọ tại Hà Nội năm 1905-1906; thiếu nữ trong trang phục áo mã tiên của người Việt mặc vào dịp lễ hội chụp tại Thái Bình năm 1928; ông lão đánh cá tại Hà Đông 1920; thiếu nữ Chợ Lớn năm 1900; những người phụ nữ lấy nước ở bến sông Hồng năm 1892… Đặc biệt, tiệm ảnh này phục dựng nhiều bức ảnh chụp Hoàng hậu Nam Phương, gồm cả video Hoàng hậu cử động với ánh mắt khuôn miệng mỉm cười, mô tả rất sống động nhan sắc kiêu sa, quyền quý của bà hoàng thời trẻ.
 
Nguyễn Chí Cường, chủ tiệm ảnh Thanh Xuân, cũng là người trực tiếp xử lý, phục dựng ảnh, cho biết: “Tôi phục dựng các bức ảnh cũ của bà với mong muốn bảo tồn di sản văn hóa, phục vụ nghiên cứu lịch sử, trang phục triều đình nhà Nguyễn. Trong quá trình phục dựng, tôi cũng đã gặp phải một số khó khăn và thách thức, như tình trạng ảnh gốc bị hư hỏng nặng nề trong khi việc phục dựng phải bảo đảm tính trung thực để các chi tiết lịch sử và văn hóa được bảo tồn một cách chính xác”. 

Cũng theo anh Cường, anh đã sử dụng các công nghệ và phần mềm phục dựng hiện đại như Adobe Photoshop và A.I phục hồi ảnh chuyên dụng giúp cải thiện chất lượng ảnh và khôi phục chi tiết. Tuy nhiên, anh sử dụng các công nghệ này một cách cẩn thận để không làm mất đi sự chân thực của bức ảnh cũng như các yếu tố thẩm mỹ và cảm xúc.

Anh Cường cho biết, công nghệ A.I là một công cụ mạnh mẽ trong việc phục dựng các bức ảnh cũ, mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trong đó, A.I có thể giúp loại bỏ các vết bẩn, nứt và nhiễu trên ảnh cũ một cách chính xác. Các thuật toán học sâu được huấn luyện để nhận diện và loại bỏ các vấn đề này mà không làm mất đi chi tiết quan trọng của bức ảnh. Và A.I có thể phân tích các bức ảnh đen trắng, dự đoán màu sắc phù hợp dựa trên các bức ảnh màu khác hoặc dữ liệu lịch sử để chọn màu cho ảnh gần với thực tế. 

“Sắp tới, tôi mong muốn thực hiện thêm các dự án phục dựng ảnh liên quan đến các nhân vật lịch sử thời nhà Nguyễn, các vị anh hùng của dân tộc. Thông qua hình ảnh sắc nét và chân thật, tôi hy vọng lan tỏa tới các bạn trẻ niềm say mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa, trang phục của Việt Nam thời xưa”, anh Cường cho hay.

Bằng kinh nghiệm của người làm nghề nhiếp ảnh nói chung, nhiếp ảnh gia Huỳnh Anh, người chuyên chụp ảnh người nổi tiếng trong nước, cho biết: “Thực ra A.I không chỉ thể hiện vai trò trong phục hồi ảnh cũ mà nó còn là công cụ hữu hiệu chúng tôi sử dụng thường xuyên cho các thể loại ảnh. Tuy nhiên, với ảnh chụp mới, tôi ý thức giữ độ chân thật của bức ảnh nên không lạm dụng A.I mà chỉ sử dụng nó trong những công đoạn phụ trợ để đẩy nhanh tốc độ xử lý ảnh và bảo đảm độ chính xác. Nếu ngày trước một tấm ảnh khó tôi phải xử lý vài ngày thì bây giờ, nhờ A.I tôi có thể hoàn thành chỉ trong 1 giờ”.