9X nối mạch văn hóa truyền thống
Cùng với nhịp sống hiện đại, sự du nhập của văn hóa ngoại lai với nhiều loại hình đầy thu hút, thậm chí có phần lấn át, đã có lúc nét đẹp của văn hóa Việt truyền thống trở nên yếu thế tưởng chừng mất hút khỏi đời sống thị dân. Tuy nhiên, như một mạch nguồn âm ỉ, ngày càng nhiều cá nhân, đặc biệt là những người trẻ 8X, 9X gặp nhau và tụ họp trên hành trình đưa những nét đẹp ấy hòa vào dòng chảy đương đại.
Từ phim ảnh...
Không phải đến khi những tà áo dài tung bay lộng lẫy trong bộ phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn, người ta mới bắt đầu lưu tâm đến vẻ đẹp vượt thời gian của chiếc áo này. Nhưng phải thừa nhận rằng, sự lan tỏa rộng rãi qua công cụ điện ảnh đã đánh mạnh vào tiềm thức của những ai yêu chuộng vẻ đẹp truyền thống. Lần đầu tiên, tại một sự kiện giải trí đương đại, hàng loạt người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nô nức diện đủ kiểu áo dài trên thảm đỏ, từ nguyên bản đến cách tân, lấp lánh sắc màu mà không lạc lõng.
Cũng câu chuyện trang phục trong phim ảnh của năm 2017, chiếc áo bà ba nâu sòng giản dị quen thuộc của phụ nữ miệt sông nước Nam Bộ đường hoàng bước lên phim Mẹ Chồng, sang trọng mà vẫn quyến rũ. Đi kèm với chuyện phim là lề thói xưa, là nếp ăn cách ở đậm không gian văn hóa Nam Bộ mà người ta chỉ có thể diện kiến trong vài thước phim cũ hoặc những trang sách chuyên về phong tục, tập quán. “Phim ảnh bên cạnh yếu tố giải trí thì cần kể, nhắc nhớ hoặc gợi lại cho khán giả những thú vị trong đời sống mà đôi khi họ bị đời sống bộn bề cuốn đi.
Tôi tâm niệm rằng, nhắc về văn hóa không chỉ ngày một, ngày hai, không chỉ một người hay một lĩnh vực nào đó là có thể làm được mà cần sự chung tay. Một người làm như muối bỏ biển thì xúm vào, hai người, ba người... dần dần sẽ tạo nên sự cộng hưởng. Tất nhiên là phải kể bằng góc nhìn của người trẻ để họ cảm nhận được thay vì thấy khó hiểu và càng thêm xa lánh”, Lý Minh Thắng, đạo diễn phim Mẹ Chồng, chia sẻ. Ở bộ phim đầu tay, Sài Gòn Anh Yêu Em, Thắng cũng đã rất khéo léo lồng ghép câu chuyện của đôi đào kép già từng lẫy lừng trên sân khấu cải lương vào câu chuyện của những người trẻ.
Trên địa hạt phim hoạt hình, Con Rồng Cháu Tiên được kể mới bằng đồ họa, bằng âm nhạc, bằng câu chuyện hấp dẫn, có tính cách. Nhà sản xuất không chỉ làm sống lại câu chuyện cội nguồn dân tộc mà còn đưa vào tạo hình những hoa văn trên Trống Đồng, trên trang phục, hình ảnh con Rồng thời Lý... tinh tế đến từng chi tiết.
Cuộc hội ngộ nhộn nhịp này của các nhà làm phim không phải là thành quả ngày một ngày hai mà là cuộc gặp của những trái tim tâm huyết và những khối óc đã va chạm nhiều, chứng kiến nhiều cuộc lên ngôi của văn hóa Hàn, Nhật, Mỹ tại Việt Nam. Nhìn những sản phẩm giải trí của nước ngoài chễm chệ chiếm lòng người hâm mộ Việt, bên trong họ luôn ấp ôm những dáng hình xưa cũ và đau đáu câu hỏi như nhà sản xuất Ngô Thanh Vân: “Tại sao phải mượn chuyện, mượn văn hóa của nước khác trong khi chúng ta có cả một kho tàng?”.
Và làm thế nào để kho tàng ấy được mang vào đời sống mà không lạc nhịp, không chơi trội hoặc tuyên truyền, giáo điều, thì cần rất nhiều tiềm lực bên cạnh một quá trình dọn đường, chuẩn bị chỉn chu và cẩn thận.
Chọn lối rẽ hẹp nhưng cũng đầy tiềm năng, họ - những nhà làm phim - đã chọn một con đường đại chúng nhất, lan tỏa nhất và cũng nhiều rủi ro nhất.
Đến làn sóng ngầm của người trẻ
Năm 2013, khi bắt đầu thiết kế phục trang cho phim Trần Nhân Tông, chàng trai 9X Cù Minh Khôi lập tức rơi vào thế lúng túng vì không ai nói cho Khôi biết hoa văn họa trên trang phục hoàng gia tròn méo thế nào. Khôi lao vào tìm hiểu, hỏi han khắp nơi, sưu tầm rồi vẽ lại bằng tay, sau đó đồ họa lại bằng máy dưới hình thức vector. Phục trang đã làm xong nhưng câu hỏi “tại sao Việt Nam lại không có một thư viện tư liệu hoa văn để những người làm công việc sáng tạo có dữ liệu ứng dụng vào các sản phẩm liên quan đến văn hóa” đã khiến cậu mất ăn mất ngủ.
Ý tưởng vẽ lại hoa văn Đại Việt của 3 thời kỳ lịch sử trọng yếu: Lý - Trần, hậu Lê và nhà Nguyễn, nhằm chia sẻ công khai cho cộng đồng ra đời. Bài toán nhân lực, vật lực của Khôi được giải quyết khi cậu mang dự án đến Comicola và dùng hình thức vận động quỹ cộng đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm Đại Việt Cổ Phong do Khôi sáng lập đã có hơn 17.000 thành viên, đều là những người trẻ 9X, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Phía sau nó là sự hỗ trợ của những nhà nghiên cứu trẻ tuổi đầy uy tín của thế hệ 8X tâm huyết không kém như Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức, Nguyễn Sử, Nguyễn Mạnh Đức...
Cuối năm 2016, cuốn Hoa Văn Đại Việt xuất bản ra thị trường với khoảng 250 mẫu, đi kèm là các thông tin chi tiết về ý nghĩa của hoa văn, tính biểu tượng, niên đại của hiện vật, trở thành tư liệu quý giá cho người làm công việc sáng tạo. Song song với dự án, Đại Việt Cổ Phong còn tiến hành phục chế trang phục xưa, sản xuất lịch, ốp lưng điện thoại, làm tranh, hoa văn trên áo, phong bao lì xì, làm video... tổ chức những buổi nói chuyện về hoa văn Đại Việt.
“Tôi cảm thấy những người trẻ như mình nếu suốt ngày chỉ gióng chuông cảnh báo, kêu gọi mọi người đừng quay lưng lại với văn hóa truyền thống thì chưa đủ. Phải bắt tay làm một cái gì đó thiết thực hơn, hữu dụng hơn để mọi người thấy được chúng chuyển động trong đời sống đương đại như thế nào”.
Cùng suy nghĩ như Khôi, tháng 6.2013, Trần Hồng Nhung khởi dựng Zó Project. Với đặc tính xốp nhẹ, bền dai và ít bị mối mọt, dó là một trong số ít những loại giấy có tuổi thọ lâu đời nhất nhưng hiện nay số làng còn giữ nghề làm giấy khá hiếm hoi. Nhung xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội, quan tâm đến việc bảo tồn và cải thiện quy trình làm giấy thủ công, phát triển các loại giấy từ kỹ thuật giấy dó cổ truyền.
Nhung chú trọng kết hợp chất liệu truyền thống với thiết kế đương đại, nhằm mang lại cái nhìn mới mẻ hơn đối với giấy dó hay các loại giấy truyền thống khác, vốn chỉ được sử dụng trong những dịp lễ Tết hay để vẽ tranh, trưng bày. Các sản phẩm của Zó Project rất đa dạng và hữu dụng như giấy vẽ, sổ tay, bưu ảnh, bưu thiếp, lịch bàn, phụ kiện trang sức... chinh phục các thị trường khó tính như Úc, Pháp, Ý...
Suy nghĩ của Khôi, của Nhung có thể bắt đầu khá mơ mộng nhưng việc tạo ra thị trường, định hướng và thúc đẩy nó lại là hành động vô cùng thiết thực để thổi hồn văn hóa truyền thống vào đời sống. Có như vậy, tinh hoa văn hóa xưa mới phục hồi và phát triển được.