7 niềm tin sai lầm về tiền bạc
Chuyên gia đào tạo kỹ năng sống Megan Walls đã phát hiện ra một điểm yếu mà rất nhiều khách hàng dù thông minh hay rất chuyên nghiệp cũng mắc phải, đó là có những niềm tin "ngốc nghếch" về tiền bạc.
Khi các khách hàng đề nghị Walls hỗ trợ họ quản lý và làm chủ tài chính, trước hết bà phải hiểu rõ những suy nghĩ của họ về tiền bạc.
Dưới đây là một số quan niệm tài chính sai lầm mà theo bà Walls, ngay cả những khách hàng thông minh và tài giỏi của bà cũng từng vấp phải.
"Tiền xuất hiện một cách thần kỳ"
Bà Walls nhớ đến một khách hàng được thừa kế tiền bạc khi còn đang theo học chương trình sau đại học và nghĩ rằng ông sẽ luôn giàu có.
Khi còn bé, bất kỳ khi nào cần tiền, ông sẽ hỏi xin cha mình và sẽ nhận được 10 hoặc 20 USD, bà Walls cho biết. Do vậy, ông tin rằng tiền sẽ xuất hiện một cách thần kỳ.
Do vậy, người khách hàng này đã bỏ học giữa chừng và sau đó lại rơi vào cảnh cạn tiền.
Công việc của bà Walls là giúp vị khách trên thay đổi suy nghĩ về tiền bạc, chẳng hạn như chuyển sang ý nghĩ là tôi có thể kiểm soát tiền của tôi và có thể đưa ra quyết định tài chính tốt cho bản thân và gia đình. Sau đó, vị khách này băt đầu gặp gỡ cố vấn tài chính và sử dụng chương trình Quicken để theo dõi chi tiêu.
"Khoản nợ trong thẻ tín dụng là điều bình thường và chấp nhận được"
Hộ gia đình trung bình tại Mỹ có khoản nợ trên 7.000 USD trong thẻ tín dụng và nếu chỉ tính các hộ mắc nợ, thì con số này lên đến gần 15.500 USD. Không có gì lạ khi chúng ta nghĩ rằng nợ là một phần tất yếu của cuộc sống.
Bà Walls cho rằng tuy người tiêu dùng biết họ phải trả các khoản nợ cho công ty cung cấp thẻ tín dụng, song họ không thấy sợ hoặc có cảm giác các khoản nợ đang bủa vây họ.
"Chi tiêu sẽ làm cho tôi cảm thấy tốt hơn"
Những người có niềm tin như vậy thường mạnh tiêu tiêu xài khi tâm trạng không được tốt.
Họ thường nói: 'Tôi sẽ đi mua một vài thứ gì đó để tránh cảm giác có lỗi với bản thân; Tôi sẽ mua bất kỳ thứ gì tôi muốn' ngay cả khi họ không có đủ tiền cho món đồ đó. Và rồi khi nhận được những hóa đơn thanh toán, họ thực sự hoảng sợ.
"Sẽ không bao giờ có đủ tiền"
Một khách hàng khác phàn nàn với bà Walls rằng bà ta có khoản nợ thẻ tín dụng lên đến 12.000 USD và tỏ ra lo lắng rằng việc này bắt đầu ảnh hưởng xấu đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của mình.
Vị khách hàng này lớn lên trong một gia đình mà bà luôn được nghe câu nói "Chúng ta không thể mua món này/món kia, chúng ta sẽ cạn tiền". Bà Walls bắt đầu giúp vị khách của mình loại bỏ suy nghĩ đó và tránh phải đối phó với những rắc rối tài chính. Và vị khách bắt đầu có niềm tin tích cực rằng "Tôi là người thành công với cuộc sống dư dả".
"Niềm tin về tiền bạc phần lớn thường chịu ảnh hưởng từ gia đình hoặc xã hội", bà Walls giải thích.
"Tôi cần phải tiêu toàn bộ số tiền của mình, hoặc nó sẽ bị lấy đi"
Một trong những khách hàng của bà Walls đang phải chu cấp cho các thành viên trong gia đình và cảm thấy nếu bà không tiêu ngay lập tức số tiền kiếm được, bà sẽ phải cho số tiền đó cho các thành viên trong gia đình.
Thật không may, 'chi tiêu' không phải là một kế hoạch lâu dài cho tương lai, như tiết kiệm tiền cho việc về hưu hay lập quỹ dự phòng khẩn cấp.
Vị khách của bà Walls luôn nghĩ rằng 'ai đó sẽ hỏi xin tiền của bà mỗi khi bà về nhà' và đó là lý do bà ta vướng vào nợ nần.
"Đàn ông kiểm soát tiền tốt hơn phụ nữ"
Đàn ông không phải là siêu anh hùng và chúng cũng không mong họ như vậy.
Vấn đề của niềm tin này gồm 2 phần: Nó khuyến khích phụ nữ giao phó việc quản lý tài chính và đặt gánh nặng quản lý tốt tiền bạc lên vai người đàn ông bất kể họ có khả năng hay không.
Rất nhiều phụ nữ để chồng của mình giải quyết các hóa đơn và đối phó với các vấn đề tài chính mà không hề chú ý đến họ. Và đây không phải là chiến lược phù hợp đối với nhiều gia đình.
"Tôi đã trưởng thành, do vậy, tôi biết cách quản lý tiền bạc"
Khả năng viết ra danh sách kiểm soát không đồng nghĩa rằng bạn biết cách quản lý tiền bạc.
Theo bà Walls, nhiều người không biết được nguyên lý cơ bản về tài chính cá nhân như lập ngân sách hay theo dõi tài chính. Một trong những khách hàng của bà luôn cảm thấy xấu hổ và né tránh các vấn đề về tiền bạc vì không biết cách quản lý. Lý do đơn giản là vị khách này chưa bao giờ học về điều này cả.
Bà Walls cho biết, "Tôi nghĩ điều này rất phổ biến. Tôi đã nói với rất nhiều người rằng, bạn là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng không phải chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tiền bạc".
Mọi người thường nghĩ rằng khi trưởng thành, bạn sẽ biết cách tiêu tiền nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác.
Thừa nhận bạn không biết lập ngân sách và phải cần đến sự trợ giúp của chuyên gia là điều hoàn toàn bình thường.
Nhật Trường
Nguồn BI