7 bài học đáng giá từ cuốn sách yêu thích của Bill Gates
Cuốn 'Business Adventures: Twelve Classic Tales From the World of Wall Street' (tạm dịch: Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh: 12 câu chuyện kinh điển từ Phố Wall) của John Brooks, xuất bản lần đầu vào năm 1969, bao gồm nhiều câu truyện thú vị về Phố Wall khiến bạn bị cuốn hút từ đầu đến cuối.
Gates từng nói đây là cuốn sách về kinh doanh hay nhất mà ông đã từng đọc. Và đáng chú ý là không chỉ mình Bill Gates mà cả tỷ phú Warran Buffet cũng là một độc giả của 'Business Adventures'.
Trên blog cá nhân, Bill Gates cho biết "Cuốn sách của Brook là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng các quy tắc để điều hành một doanh nghiệp khỏe mạnh và tạo ra giá trị không hề thay đổi".
Gates từng nói đây là cuốn sách về kinh doanh hay nhất mà ông đã từng đọc. |
Và yếu tố con người luôn là điều thiết yếu đối với mọi nỗ lực kinh doanh. Dù có sản phẩm tuyệt vời, một kế hoạch sản xuất và tiếp thị chặt chẽ, bạn vẫn phải cần người tài để dẫn dắt và thực hiện các kế hoạch đó".
Dưới đây là một số bài học quan trọng rút ra từ cuốn 'Business Adventures' luôn hữu ích từ xưa đến nay.
1. Người đổi mới cần phải tiếp tục cách tân
Bill Gates cho rằng một trong những câu chuyện bổ ích nhất trong cuốn 'Business Adventures' là bài viết mang tựa "Xerox Xerox Xerox Xerox". Tác giả Brooks đã ghi lại cách Xerox tuyển dụng những nhà nghiên cứu để phát triển sản phẩm thay thế cho máy in rô-nê-ô và thay đổi cách làm việc của mọi văn phòng trên thế giới.
5 năm sau khi máy in Xerox 914 được tung ra thị trường năm 1960, "xeroxing" trở thành thiết bị của mọi văn phòng và mang lại 500 triệu USD doanh thu cho Xerox.
Nhưng rồi ban lãnh đạo Xerox bắt đầu ngủ quên trên chiến thắng và thái độ này rốt cuộc khiến công ty thua lỗ vào cuối những năm 1970 khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu tung ra máy photocopy của họ.
Bill Gates tin rằng Xerox có thể tránh được thảm cảnh trên nếu ban lãnh đạo tiếp tục "nối tiếp" thay vì "phớt lờ" những tiến bộ đã đạt được.
"Tôi nhất định sẽ tránh vấp phải sai lầm của Xerox tại Microsoft. Tôi luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng chúng tôi luôn nghĩ lớn về mọi cơ hội có được từ việc nghiên cứu trong mọi lĩnh vực mà máy tính", Bill Gates chia sẻ.
2. Dành thêm nguồn lực vào những lĩnh vực quan trọng để có thành công dài hạn
Joseph C. Wilson, nhà sáng lập Xerox, thừa kế Công ty The Haloid Photographic Company vào cuối những năm 1940. Sau khi nghiên cứu phát minh của nhà vật lý Chester Carlson về máy in điện tử, Wilson hợp tác với Carlson và quyết định rằng tương lai của công ty là phải tìm ra cách biến thí nghiệm này thành công cụ văn phòng dễ sử dụng.
Wilson sau đó đã đặt một cái tên mới cho quá trình sao chép này - “xerography” - và năm 1958 đổi tên công ty thành Haloid Xerox, trong khi chiếc máy xerography tiếp được được phát triển và hoàn thiện.
Hội đồng quản trị công ty tỏ ra lo ngại khi Wilson nhất định dành nhiều năm trời cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của chiếc máy xerography và tác giả Brooks giải thích rằng ngay cả khi các nhà nghiên cứu cũng không tin là họ có thể tạo ra một sản phẩm có thể bán trên thị trường.
Wilson có thể đã cung cấp cho khách hàng một sản phẩm cồng kềnh nhưng thực sự gây chấn động. Dù sau đó, Xerox không tiếp tục tiến xa, nhưng sản phẩm Xerox 914 đã kịp mang lại cho Wilson và ban quản trị công ty khoản tiền 75 triệu USD và Xerox trở thành cái tên ai cũng biết đến.
3. Có thể làm kinh doanh vì mục đích xã hội
Tác giả Brooks tỏ ra thích thú với tu từ nhà cải cách xã hội không tưởng của Wilson (do-gooder) và kết luận rằng điều này hoàn toàn đúng.
Ngày nay, nhiều công ty thổi phồng nền văn hóa doanh nghiệp "từ thiện" của họ, nhưng điều này rất không phổ biến hồi những năm 1960. Wilson tin rằng nhiệm vụ của ông là hiến tặng hàng triệu USD cho các tổ chức từ thiện và trường đại học đồng thới áp dụng chính sách nhân sự tiến bộ trong bối cảnh phòng trào nhân quyền thời bấy giờ.
Ban đầu, ý tưởng "kỳ lạ" này của Wilson vấp phải sự phản đối, nhưng sau đó được chấp nhận rộng rãi.
Ngoài mục đích đem lại điều tốt đẹp cho người khác, doanh nghiệp từ thiện, linh hoạt trong lợi ích lao động còn thu hút được nhiều người tài hơn và giữ chân được nhân viên giỏi. Đó cũng là cách PR quá tốt.
4. Để cái tôi lấn át có thể là thảm họa
Một câu chuyện khác trong cuốn 'Business Adventures' mà Bill Gates rất tâm đắc là về chiếc xe Ford Edsel - vẫn được nhắc đến như một trong những sản phẩm thảm họa nhất trong lịch sử Ford Motor.
Các giám đốc điều hành của Ford quyết định sẽ nghiên cứu nhằm sản xuất mẫu xe hoàn hảo cho tầng lớn trung lưu tại Mỹ. Các nhà thiết kế và bộ phận tiếp thị bỏ ra 2 năm để thu thập ý kiến công chúng và thử nghiệm các ý tưởng. Nhưng rốt cuộc, sau tất cả mọi nghiên cứu, các giám đốc Ford vẫn làm điều mà họ muốn.
Họ cố làm hài lòng mọi người thay vì tập trung vào thương hiệu. Ford tung ra mẫu xe Edsel năm 1957 với 18 phiên bản nhưng không một phiên bản nào nhắm đến một đối tượng cụ thể nào cả.
Ngay bản thân tên của mẫu xe, Chủ tịch Ford đã quyết quyết định vào phút chót là đặt theo tên của người con trai của Henry Ford và bác bỏ mọi cái tên trong danh sách mà họ đã mất không biết bao nhiêu thời gian để vạch ra.
5. Đừng bao giờ được đẩy mình vào tình cảnh không có lối thoát
Trước khi hoàn tất thậm chí đặt tên cho chiếc xe Edsel, Ford đã bắt đầu quảng bá cho "E-Car" - cam kết cách mạng hóa ngành công nghiệp ôtô. Tác giả Brooks cho biết, các giám đốc điều hành Ford thậm chí chưa bao giờ cân nhắc khả năng thất bại, thậm chí còn thành lập bộ phận Edsel và ký hợp đồng phân phố với các đại lý trước khi mẫu xe này hoàn thiện.
Mùa hè năm 1957, thị trường chứng khoán bất ngờ lao dốc và người tiêu dùng dừng mua các mẫu xe tầm trung trong khi Edsel cũng dự kiến sẽ được tung ra cùng năm.
Nếu ban lãnh đạo Ford hành động cẩn trọnghơn và tránh đặt cược quá nhiều vào Edsel, họ có thể tránh được khoản lỗ 350 triệu USD.
6. Nếu thất bại, hãy chấp nhận, học hỏi từ đó và tiến lên
Bất chấp những sai lỗi của ban lãnh đạo Ford liên quan đến mẫu xe Edsel, tác giả Brooks nhận thấy rằng không ai nhận trách nhiệm về thất bại này, thậm chí còn cho rằng họ đã làm mọi chuyện hết sức đúng đắn.
Giám đốc tiếp thị Edsel thậm chí còn nói với Brooks rằng "Mọi người phản ứng thật kỳ lạ. Những gì họ liên tục mua trong những năm qua đã khuyến khích ngành ôtô tạo ra chính xác mẫu Edsel. Chúng tôi [Ford] đã tung ra mẫu xe cho khách hàng và họ lại từ chối. Chà, họ [người tiêu dùng] không nên hành động như vậy mới phải."
7. Các nhà quản lý phải giao tiếp rõ ràng với nhân viên
Tác giả Brooks cũng kể câu chuyện về vụ bê bối "làm giá" năm 1961 của 29 công ty điện lực. Brooks quan tâm đặc biệt đến sự tham gia của General Electric (GE) khi nhân viên của hãng tự ý làm việc để tạo ra lợi nhuận từ những hành động phi pháp.
Brooks viết rằng thậm chí sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng vụ này, ông cũng không thể nói liệu các quan chức cao cấp có phải chịu trách nhiệm hay không hoặc ít nhất cũng biết đến việc "làm giá" vì GE có văn hóa doanh nghiệp mà ở đó mọi người dường như không giao tiếp với nhau. Nhiều nhân viên thậm chí thậm chí chứng thực rằng ông chủ của họ thường nói mọi việc với một cái nháy mắt, khiến rất khó biết chính xác những gì họ nói có ý nghĩa thực sự thế nào.
Sau cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và phiên xét xử, GE bị phạt 437.500 USD và 3 nhân viên của hãng bị phạt tù 30 ngày.
Nhật Trường
Nguồn BI