6 cách xóa bỏ sợ hãi và bắt đầu quá trình đầu tư. Nguồn: Tradingfx

 
Vũ Hoài Thứ Bảy | 16/11/2019 16:11

6 cách xóa bỏ sợ hãi và bắt đầu quá trình đầu tư

Thật khó để bắt đầu những điều mới mẻ và lấn sân vào một lĩnh vực xa lạ. Đối với đầu tư cũng vậy, việc bắt đầu luôn là điều khó nhất,…

Trong quá khứ, khi nghĩ đến đầu tư, đa phần chúng ta đều suy nghĩ đầu tư chủ yếu dành cho những người giàu có. Nếu bạn không biết những điều đầu tiên về đầu tư, bạn có thể cảm thấy như không thể thực hiện bất kỳ động thái nào.

Sau đây sẽ là 6 cách khiến bạn xóa bỏ sự sợ hãi và bắt đầu quá trình đầu tư của mình.

1. Đặt mục tiêu

Đầu tiên, hãy hiểu rõ ràng về những gì bạn thật sự muốn.

Nếu hiểu thị trường chứng khoán là mục tiêu của bạn, hãy bắt đầu đọc và tìm hiểu về nó. Hãy ghép đôi với một người bạn có cùng sở thích và đọc một bài báo mỗi ngày.

Nếu bạn muốn tiết kiệm cho một mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như nghỉ hưu hoặc học phí đại học, hãy viết chính xác những gì bạn muốn, bạn phải cần bao lâu để đạt điều đó và chi phí bao nhiêu.

Đôi khi, chỉ cần hành động viết ra các kế hoạch của bạn sẽ giúp tạo ra trách nhiệm và củng cố cam kết của bạn đối với một kế hoạch của chính mình.

2. Nâng cao kỹ năng của bạn

Marcello DePascale, nhà quản lý đầu tư tại Tập đoàn tài chính Barnum tại Shelton - Connecticut, cho rằng việc thiếu dấn thân/không chịu học hỏi chứ không phải tâm lý sợ những điều không biết là điều đã ngăn cản mọi người tìm hiểu về đầu tư. "Giáo dục tài chính nên bắt đầu từ trong trường học, nhưng thực tế nó đã không xảy ra", ông nói.

Bạn có thể thấy rằng việc học một số thuật ngữ cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu, rủi ro và lợi nhuận,… khiến bạn cảm thấy mình đang vững bước hơn trên chặng đường đầu tư.

“Hãy tìm những nguồn tài nguyên giáo dục để giải quyết những điều chưa biết”, Lauren Anastasio, một CFP tại SoFi chia sẻ.

3. Phân tích bản thân

Một bước khởi đầu tốt khác là hiểu những thói quen đang phá hủy kế hoạch của bạn. Sau đó, tìm cách khắc phục chúng.

Chẳng hạn, nếu cảm thấy như bạn không bao giờ có thể để dành được một khoản tiết kiệm nào, hãy lập thứ tự chi tiêu và tiết kiệm. Trước tiên, hãy chuyển một phần lương hay thu nhập của mình vào một tài khoản tiết kiệm trước và sau đó vạch ra kế hoạch chi tiêu phần còn lại.

Phần lớn chúng ta đều không có thói quen kiểm soát các chi phí của mình, một số người còn ghét ý tưởng viết ra những gì bạn muốn mua trong một buổi shopping.

4. Chọn một chiến lược

Để đạt được mục tiêu của bạn, hãy sử dụng phương pháp mà bạn thấy hấp dẫn nhất.

Bạn có thể xem xét thói quen chi tiêu của mình và thực hiện một số thay đổi nhỏ, chẳng hạn như mang bữa trưa đi làm một hoặc hai ngày một tuần.

“Hãy bắt đầu tiết kiệm 100 USD một tháng hoặc 1% tiền lương của bạn và nhớ rằng mỗi một chút đều có giá trị. Bạn sẽ bắt đầu tạo ra những thói quen tốt và cảm thấy tốt về sự tiến bộ của mình, nó sẽ tự phát triển theo thời gian”, Brent Weiss, nhà hoạch định tài chính, đồng sáng lập Facet Wealth tại Baltimore khuyến nghị.

5. Không cần phải sợ

Những biến động trên thị trường chứng khoán là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta ngại đầu tư.

Nhà quản lý đầu tư DePascale cho rằng thật khó để vượt qua điều này và tin tức sẽ thổi phòng những sự sợ hãi đó. Cách tốt nhất để giữ bình tĩnh là lập ra một kế hoạch với các mốc thời gian phù hợp cho mục tiêu của bạn. Ví dụ, nếu bạn có một kế hoạch sử dụng khoản tiền mà bạn đã đầu tư trong 20-30 năm nữa (khi về hưu), danh mục đầu tư của bạn sẽ chịu được những rung lắc khác nhau của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

6. Dành ra một khoản và quên nó đi

Không chỉ là về tiền bạc, mà còn là cách chúng ta nghĩ về chúng (money mind, gồm sợ hãi, hạnh phúc, cam kết). Đơn cử, nếu bạn không nhớ đến/hoặc không cần (trong ngắn hạn) khoản tiền mình đã trích ra để đầu tư thì bạn sẽ không sợ.

Và điều đó sẽ thật tốt đối với tiền của bạn. Có một kế hoạch tiết kiệm tự động mỗi tháng để đưa tiền vào tài khoản đầu tư là điều lý tưởng, ông Weiss chia sẻ. Chúng ta phải phát triển những thói quen lành mạnh hơn và tạo ra những thói quen giúp chúng ta tránh khỏi những sai lầm cảm xúc mà hầu hết mọi người tiêu dùng đều mắc phải khi đầu tư.

Nguồn CNBC