Doanh nghiệp cần thay đổi cách quản trị để giữ chân nhân tài. Ảnh: QH
4.0 tìm 1 triệu nhân lực IT
Năm 2018, Minh Khang, một sinh viên công nghệ thông tin mới ra trường, được chào mời đến làm việc ở công ty phần mềm danh giá, với mức lương dao động từ 8-12 triệu đồng/tháng. Nếu có trên 2 năm kinh nghiệm, chàng kỹ sư phần mềm trẻ này sẽ được chào mời với mức lương dao động từ 750-812 USD/tháng, tương đương 17-18,5 triệu đồng/tháng. Theo khảo sát của chuyên trang tuyển dụng IT TopDev, đây cũng là vị trí tuyển nhiều nhất trong khối nhân lực công nghệ thông tin, chiếm 75% nhu cầu thị trường.
Thiếu 1 triệu nhân lực
Riêng mảng thương mại điện tử, nhu cầu này còn tăng nóng hơn. Thống kê của iPrice tại 5 công ty thương mại điện tử lớn trong khu vực Đông Nam Á - bao gồm Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia - cho thấy, cứ mỗi quý, 5 doanh nghiệp trên tạo ra hơn 800 việc làm mới cho thị trường lao động. Cũng theo nghiên cứu của iPrice, trong các công ty thương mai điện tử, doanh nghiệp đang rất cần nhân tài trong các chuyên ngành công nghệ cao như lập trình phần mềm, digital marketing, khoa học dữ liệu hoặc tiếp thị... bởi những vị trí này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty kinh doanh dựa trên công nghệ.
“Trong suốt 3 năm qua, số lượng nhân sự của Shopee sau mỗi năm đều tăng gấp đôi. Từ vài chục nhân viên vào những ngày đầu năm 2016, đến nay Shopee đã có hơn 700 nhân viên ở cả Hà Nội và TP.HCM”, bà Tracey Đỗ, Giám đốc Nhân sự Shopee Việt Nam, chia sẻ.
Theo bà Tracey, sở dĩ nhân lực công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng đang trở thành cơn khát là vì tốc độ phát triển của các lĩnh vực đều cao và nhu cầu ứng dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh hầu như có ở tất cả các doanh nghiệp. Chẳng hạn, để tính đường dài trong chiến lược phát triển, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam và đặt hàng các trường đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navigos Group, cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin ngày càng tăng cao do đặc thù của kỷ nguyên số hóa. Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung về nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam cho thấy trong năm 2020, Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Sự thiếu hụt này càng trở nên cấp thiết khi kinh tế Việt Nam hướng đến mô hình phát triển công nghệ cao.
Sự khan hiếm nhân lực có chuyên môn công nghệ mới như blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đến sự mất cân đối về mức lương trên thị trường. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nhóm nhân lực, dù vẫn thuộc mảng IT nhưng có chuyên môn “không còn là xu hướng” sẽ thất nghiệp hoặc bị trả mức lương thấp hơn.
Lương không phải số 1
Báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2019 do Navigos Group thực hiện cho thấy, có đến 60% cho biết họ có ý định chuyển việc. Nguyên nhân chính được người tham gia khảo sát cho biết lần lượt là muốn có mức lương cao hơn (chiếm 47%); muốn thăng tiến (chiếm 15%); muốn làm mới môi trường làm việc (chiếm 10%).
Đòi hỏi từ phía người lao động buộc doanh nghiệp phải có những chiến lược đáp ứng. Theo kết quả khảo sát của Talentnet và Mercer, công ty tư vấn nhân sự thế giới công bố tháng 3 vừa qua, mức tăng lương của năm 2019 được dự đoán đều tăng nhẹ ở tất cả các ngành nghề. Trong đó, công nghệ được dự đoán sẽ là ngành tăng lương cao nhất, 9,1%.
Khảo sát cho thấy mức chênh lệch lương trong lĩnh vực này thấp nhất vào khoảng 300USD và cao nhất vào khoảng 1.000USD. Tuy nhiên, lương thưởng lại không giữ vai trò quyết định. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet phụ trách Dịch vụ Khảo sát lương Mercer và Tư vấn Nhân sự, lưu ý, không còn như thế hệ trước, đại đa số nhân viên của các doanh nghiệp đều thuộc thế hệ trẻ với nhiều khác biệt về hành vi cũng như mong muốn. Do đó, không chỉ là chuyện tăng lương thưởng, doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách quản trị, cụ thể và cần thiết nhất là công tác giữ chân nhân tài vốn được quyết định bởi nhiều yếu tố - cả hữu hình lẫn vô hình.
Đồng quan điểm, bà Tracey Đỗ cũng cho rằng, việc linh động tuyển dụng nhiều thế hệ các bạn trẻ là sinh viên mới ra trường rồi tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho riêng mình cũng là cách để doanh nghiệp chủ động nguồn lực. Với các nhân lực đã có kinh nghiệm, là những chương trình phát triển năng lực bản thân.
Ví dụ, Shopee đang triển khai chương trình Nhà lãnh đạo Toàn cầu, một chương trình quản trị viên tập sự kéo dài trong 2 năm và luân chuyển qua 4 phòng ban, trong đó có 6 tháng luân chuyển tại Singapore. Sau 2 năm tham gia chương trình, các nhân viên ưu tú sẽ trở thành đội ngũ lãnh đạo kế thừa của Shopee.
Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ không chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày càng có nhiều công ty IT nước ngoài vào Việt Nam. Kéo theo đó là cơn khát và cuộc chạy đua cạnh tranh thu hút nhân lực trong lĩnh vực này.
“Với những đòi hỏi hiện nay, doanh nghiệp phải tập trung vào đào tạo, mang đến cơ hội thăng tiến và chuẩn bị đội ngũ kế thừa cũng như không ngừng mang lại những phúc lợi cho nhân viên, mới có thể xây dựng được thương hiệu nhà tuyển dụng tốt”, bà Tracey Đỗ chia sẻ.