4 thói quen xấu ngáng trở con đường làm giàu của bạn
Theo nghiên cứu của Đại học Brown, hầu hết thói quen của chúng ta đều học từ cha mẹ. Và tất nhiên có cả thói quen tiền bạc. Nếu cha mẹ bạn có những thói quen xấu về tiền bạc, có thể rằng những thói quen này sẽ khiến bạn lúc nào cũng ở trong cảnh cháy túi.
Dưới đây là một số thói quen tiền bạc mang tính “hủy diệt” mà Thomas C. Corley - tác giả cuốn sách bán chạy “Rich Habits: The Daily Success Habits of Wealthy Individuals” (Tạm dịch: Thói quen Giàu có: Những thói quen hằng ngày làm nên thành công của người giàu) - phát hiện ra sau 5 năm nghiên cứu về thói quen hằng ngày của người giàu và người nghèo, có thể khiến bạn khánh kiệt trừ khi bạn loại bỏ chúng.
1. Thói quen đánh bạc
Đánh bạc không phải là kế hoạch để giúp bạn thoát nghèo. Đánh bạc hoàn toàn dựa vào may rủi. Tỷ lệ thắng cuộc trong trò Powerball - trò chơi xổ số ma trận - là 1/175 triệu. Về cơ bản là bạn không bao giờ thắng.
77% người nghèo - trong trường hợp này được xác định là có thu nhập hàng năm 35.000 USD hoặc thấp hơn và giá trị ròng 5.000 USD hoặc thấp hơn - thừa nhận thường chơi xổ số trong khi đó tỷ lệ này ở người giàu chỉ là 6% - trong trường hợp này có thu nhập hàng năm 160.000 USD hoặc hơn và giá trị ròng 3,2 triệu USD hoặc hơn.
Nhưng người nghèo không chỉ tiêu tiền vào xổ số, có đến 52% người nghèo thừa nhận họ cá cược vào các trò thể thao ít nhất 1 lần/tuần trong khi tỷ lệ này ở người giàu chỉ là 16%.
2. Thói quen lãng phí thời gian
Thời gian là tiền bạc. Người giàu hiểu rõ điều này. 65% người giàu tạo ra ít nhất 3 dòng thu nhập trong cuộc đời họ. Trái lại, người nghèo chỉ dựa vào một nguồn thu nhập. Họ không đầu tư thời gian một cách khôn ngoan trong việc tạo dựng nghề nghiệp hoặc xây dựng công việc kinh doanh “tay trái”.
Trong nghiên cứu, Thomas C. Corley nhận thấy việc lãng phí thời gian của người nghèo rốt cuộc khiến họ mất tiền: 77% người nghèo thừa nhận rằng họ xem TV hơn 1 tiếng mỗi ngày. Và 78% người nghèo thích xem những chương trình TV thực tế.
Mặt khác, người giàu không dành nhiều thời gian bên chiếc TV. 67% người giàu xem TV chưa đến 1 giờ mỗi ngày và chỉ có 6% người giàu xem chương trình TV thực tế.
Một kẻ gây lãng phí thời gian khác là internet. 74% người nghèo trong nghiên cứu của Corley dành hơn 1 giờ đồng hồ mỗi ngày cho internet, kể cả Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat hay Youtube.
Trái lại, 63% người giàu dành chưa đến một tiếng mỗi ngày cho internet. Điều này khiến họ có thêm thời gian cho việc đọc sách để tự giáo dục bản thân hay tự học. Mặc dù nhiều người nghèo cho biết, họ thường xuyên đọc, nhưng 79% thừa nhận họ chỉ đọc những tài liệu mang tính giải trí mà thôi.
Chỉ 11% người giàu cho biết họ đọc để giải trí. Thay vào đó, họ tập trung đọc sách và tài liệu để tự giáo dục bản thân: hồi ký của những người thành công, tài liệu liên quan đến công việc và nghề nghiệp, sự tự lực, lịch sử và những vấn đề liên quan đến tiền.
Khi bạn lãng phí thời gian của bạn cho việc xem TV, cho truyền thông xã hội, hay đọc chỉ để giải trí, bạn sẽ có ít thời gian để làm những việc hữu ích như đọc sách để học hỏi, xây dựng mối quan hệ với những người thành công khác, thông qua việc kết nối hoặc tình nguyện hay xây dựng công việc kinh doanh “tay trái”.
Thời gian của mọi người đều giống nhau. Mỗi người đều có 24 giờ dù giàu hay nghèo. Người giàu chỉ đơn giản chọn cách sử dụng thời gian của họ một cách khác biệt, làm những việc có ích mà thôi.
3. Thói quen chi tiêu không lành mạnh
Người giàu có thói quen theo dõi mọi chi tiêu của họ ngay từ những ngày đầu tạo dựng sự giàu có. Bạn rất dễ mất kiểm soát và không biết tiền của mình đi đâu. Nếu bạn không có nhiều tiền, bạn cần phải rèn luyện thói quen theo dõi mọi đồng xu của mình.
Người nghèo không như vậy. Corley đã phát hiện ra một số thói quen chi tiêu khiến người nghèo cứ mãi nghèo: 93% người nghèo thừa nhận họ không lập ngân sách cho việc chi tiêu.
66% người nghèo thừa nhận họ không căn cơ với tiền bạc của họ. Họ có thói quen xấu về việc chi tiêu hoang phí và tự phát.
Trong nhiều trường hợp, việc chi tiêu không có kế hoạch và ngẫu hứng này khiến người nghèo phải sử dụng thẻ tín dụng.
88% người nghèo trong nghiên cứu của Corley có hơn 5.000 USD khoản nợ thẻ tín dụng tuần hoàn. 69% sử dụng loại thẻ tín dụng này để mua những món đồ đắt tiền. Và 77% có nhiều hơn một thẻ tín dụng. Trái lại, 92% người giàu chỉ có và sử dụng một thẻ tín dụng mà thôi.
68% người nghèo cho biết họ không sử dụng coupon (phiếu thưởng mua hàng).
61% người nghèo không sở hữu nhà riêng/căn hộ - họ đi thuê - trong khi 100% người giàu có nhà/căn hộ riêng. Khi bạn không có ngôi nhà của riêng mình, bạn không thể tạo dựng được khoản tiền từ ngôi nhà - sẽ cần thiết khi bạn nghỉ hưu hoặc trợ giúp con cái bạn chi trả chi phí học đại học.
4. Thói quen tiết kiệm không lành mạnh
Chỉ 5% người nghèo trong nghiên cứu của Corley tiết kiệm 10% thu nhập của họ. Không ai tiết kiệm 20% thu nhập. Trái lại, 94% người giàu tiết kiệm 20% (hoặc hơn) thu nhập của họ.
Nhiều triệu phú trong nghiên cứu của Corley bắt đầu từ nghèo khó và không có nguồn thu nhập lớn trong suốt cuộc đời, do vậy, đây là thói quen họ áp dụng kể cả khi họ vẫn đang nghèo.
51% số triệu phú trên là chủ doanh nghiệp nhỏ, luôn theo dõi chặt chẽ chi tiêu để họ có thể tiết kiệm được tiền. Sau đó, họ đầu tư tiền tiết kiệm được cũng như khoản lợi tức có được từ số tiền tiết kiệm của họ. Sau nhiều năm, cộng số tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư lại, họ trở thành triệu phú tự thân.
Tạo dựng sự giàu có cần thời gian chứ không thể đạt được một sớm một chiều. Theo kết quả nghiên cứu của Corley, trung bình mất 32 năm để một người trở thành triệu phú. Bạn càng trẻ bao nhiêu, bạn càng có nhiều thời gian bấy nhiêu để tạo dựng sự giàu có.
Nhưng điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu bạn loại bỏ mọi thói quen tiền bạc “hủy diệt” và thay vào đó có được thói quen lành mạnh.
Nhật Trường
Nguồn BI