Thứ Hai | 01/02/2016 08:29

4 cuốn sách mà các tỷ phú không muốn bạn đọc

Những cuốn sách phơi bày cách công ty lớn và người thừa kế giàu có dùng để chi phối chính trị, chèn ép đối thủ, doanh nghiệp nhỏ và người lao động.

1. "Cái giá của sự bất bình đẳng" của Joseph E. Stiglitz

Tựa đề phụ: "How Today's Divided Society Endangers Our Future" (tạm dịch: Một xã hội chia rẽ ở hiện tại đe doạ thế nào đến tương lai của chúng ta).

4 cuon sach ma cac ty phu khong muon ban doc
 

Trong cuốn “The Price of Inequality”, nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 Joseph E. Stiglitz đã phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở Mỹ, nhất là giữa nhóm 1% dân số nắm giữ hầu hết tài sản xã hội và 99% dân số còn lại. Ông cũng chỉ ra mặt trái của việc chính phủ ủng hộ các công ty lớn và những người kế thừa giàu có kiếm lời bằng mọi cách nhưng lại tạo ra một môi trường thù địch đối với các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Ông cũng chỉ ra hệ lụy của bất bình đẳng và đưa ra một số giải pháp để giảm bớt bất bình đẳng như “tự do hoá lao động” thay vì “tự do hoá trên vốn” và đánh thuế vào vốn. Điều này sẽ tạo nên một sự cạnh tranh lao động giữa các nước, từ đó sẽ có những môi trường học tập và làm việc tốt hơn, đồng thời mức thuế sẽ được giảm cho người lao động. Bên cạnh đó nên đánh thuế cao vào vốn. Từ đó sẽ sinh ra một xã hội công bằng hơn.

2. "Tiền của Clinton" của Peter Schweizer

Tựa đề phụ: "The Uptold Story of How and Why Foreign Goverments and Businesses Helped Make Bill and Hillary Rich" (tạm dịch: Chuyện chưa kể về việc tại sao và làm thế nào những chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài giúp Bill và Hillary làm giàu).

4 cuon sach ma cac ty phu khong muon ban doc
 

"Clinton Cash" là cuộc điều tra dài 186 trang về các khoản quyên góp của Quỹ Clinton từ nước ngoài. Cuốn sách tiết lộ những chi tiết đáng sợ nhất và được mong đợi nhất về một quá trình ứng cử tổng thống Mỹ vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu.

Theo cuốn sách, một số chính phủ nước ngoài đã chi tiền thù lao phát biểu và tài trợ cho Quỹ Clinton để đổi lấy sự ưu ái của Bộ Ngoại giao Mỹ khi bà Clinton đứng đầu bộ này. Đây cũng là lý do chính giúp Quỹ Clinton giàu lên nhanh chóng và khiến người dân Mỹ ngờ vực liệu bà Clinton có nên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng hay không.

3."Mặt tối của đồng tiền" của Jane Mayer

Tựa đề phụ: "The Hidden History of the Billionaires Behind the Rise of the Radical Right" (tạm dịch: Bí ẩn lịch sử của các tỷ phú phía sau sự nổi lên của xu hướng Radical Right - xu hướng bảo thủ và chống xã hội chủ nghĩa trong nền chính trị Mỹ).

4 cuon sach ma cac ty phu khong muon ban doc
 

Trong cuốn "Dark Money", tác giả Jane Mayer đã giải thích mạng lưới những người cực kỳ giàu có, với quan điểm tự do chủ nghĩa cực đoan, đã cấp vốn một cách có hệ thống cho các cuộc bầu cử tổng thống và bước từng bước trong kế hoạch tiếp tục làm giàu cho bản thân bất chấp việc "đạp" lên các quy định của pháp luật về môi trường, giáo dục công, bảo hộ lao động, thuế và cải cách bầu cử.

4. "Lao động bắt buộc" của Siddharth Kara

Tựa đề phụ: "Tackling the System of Slavery in South Asia" (tạm dịch: Giải quyết hệ thống lao động nô lệ ở Nam Á).

4 cuon sach ma cac ty phu khong muon ban doc
 

Cuốn sách phơi bày thực tế về sự bóc lột thậm tệ với hàng triệu người nghèo, phụ nữ, trẻ em và những người lao động chân tay để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm với chi phí tối thiểu phục vụ thị trường toàn cầu, đặc biệt là cho người tiêu dùng tại Mỹ. Cuốn sách cũng tiết lộ rằng khi tấm màn "thương mại tự do" với thông điệp bình đẳng trong thỏa thuận mua bán sức lao động của các tập đoàn và những người lao động bần hàn được hạ xuống, không chỉ người dân Mỹ mà người dân trên thế giới sẽ thấy rõ bản chất bóc lột của các tập đoàn đa quốc gia đối với lao động "nô lệ" ở nước ngoài.

Với trên 10 năm nghiên cứu về Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Pakistan, Siddharth Kara đã nhìn thấu chế độ ở các quốc gia Nam Á này. Thực chất nó không khác gì chế độ nô lệ trong xã hội hiện đại. "Có khoảng 18-20,5 triệu lao động bắt buộc trên thế giới vào cuối năm 2011, trong đó, khoảng 84-88% là ở các quốc gia Nam Á này. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn một nửa những lao động "nô lệ" ở Nam Á và khoảng 1,1% tổng dân số của Nam Á đã bị "bẫy" vào chế độ lao động này", Siddharth Kara viết.

Nhật Trường

Nguồn INC