Ảnh minh họa: Pinterest.

 
Nhật Lệ Thứ Ba | 12/04/2022 16:31

2/3 số lượng tài sản của người siêu giàu được phân bổ vào bất động sản

Gần 1/3 tổng tài sản của họ nằm ở nơi cư trú chính và bất động sản nhà ở thứ hai.

Theo chia sẻ của bà Flora Harley, Phó Biên tập Tạp chí The Wealth Report của Knight Frank “Tài sản lên giá, từ thị trường bất động sản đến thị trường vốn cổ phần và hàng xa xỉ phẩm cao cấp, đã giúp gia tăng của cải cho những ai đủ giàu có để sở hữu các danh mục đầu tư. Nghiên cứu của Báo cáo Thịnh vượng cho thấy trung bình gần 2/3 số lượng tài sản của người siêu giàu được phân bổ vào bất động sản. Gần 1/3 tổng tài sản của họ nằm ở nơi cư trú chính và bất động sản nhà ở thứ hai, phần còn lại được đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các danh mục bất động sản.”

 

Báo cáo cũng tiết lộ tổng giá trị đầu tư tư nhân vào bất động sản thương mại toàn cầu là 405 tỉ USD trong năm 2021, tăng 52% so với năm trước đó và cao hơn 38% mức trung bình giai đoạn 5 năm trước đại dịch. 

Bước sang năm 2022, khảo sát Knight Frank Attitudes Survey cho thấy gần 1/4 (23%) dân số siêu giàu có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại. Nếu xét theo phân khúc, nguồn vốn tư nhân đầu tư vào bất động sản văn phòng sẽ chiếm đa số (43%), tiếp đó là bất động sản công nghiệp và logistics (17%), cũng như nhà ở (16%).

Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những tiêu điểm của báo cáo này trong những năm tới đây dựa trên nền tảng kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam ngày càng lên cao trên thị trường quốc tế.

 

Chúng tôi đã và đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao cũng như ước tính dân số siêu giàu Việt Nam tăng 26% trong giai đoạn 2021 – 2026 ngang ngửa với Hồng Kông và Đài Loan. Do đó, chúng tôi hoàn toàn có thể thấy tiềm năng tăng trưởng vượt bậc trong tương lai.”

Trong khi đó, báo cáo cũng lưu ý đến một xu hướng đáng chú ý trong chi phí tuỳ ý của giới nhà giàu và siêu giàu hướng đến tiêu thụ cho đồng hồ và rượu vang, với doanh số tăng 16% cho cả hai nhóm hàng này. Số liệu nhập khẩu tại địa phương cũng phản ánh thực tế này tại Việt Nam, với tổng giá trị đồng hồ nhập khẩu tăng 28,2% mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Doanh số xe hơi trong nước cùng với tổng giá trị rượu vang nhập khẩu giai đoạn trước đại dịch (2016 - 2019) cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực tương ứng là 12,9% và 9,8% mỗi năm.

Có thể bạn quan tâm 

Nổi sóng thâu tóm dự án