2 lần sống sót trước ung thư, doanh nhân này đã rút được 5 bài học
“Bạn đang mắc hội chứng u lympho Hodgkin giai đoạn hai”, lời tuyên bố này của bác sĩ đã như tiếng sét đánh ngang tai với Marcus Tan.
Đó là vào tháng 6 năm 2014, chỉ mới 1 tháng sau khi Marcus ăn mừng sinh nhật lần thứ 33 của mình. Từ đợt khám sức khoẻ định kỳ về triệu chứng ho và đau cổ họng, bác sĩ đã phát hiện ra nguy cơ ung thư đến từ một khối u ở phần dưới của cổ.
Marcus chia sẻ: “Tôi đã cảm thấy vô cùng lo lắng cho tương lai của mình. Tôi cứ nghĩ ung thư là một căn bệnh rất xa vời mà chỉ những ai hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, hoặc có lối sống không lành mạnh mới mắc phải. Tôi không hề sống như vậy, thế tại sao tôi lại mắc căn bệnh quái ác này?”.
Sống tích cực
Năm 2014, Marcus đang sắp sửa tiếp quản lại công ty xây dựng Conspec Builders của gia đình anh tại Malaysia. Anh đã tham gia điều hành hoạt động kinh doanh của công ty từ năm 2008, dành ra khá nhiều giờ làm việc và đi thực địa ở các địa điểm xa xôi.
Mặc dù được chẩn đoán nguy cơ ung thư, Marcus vẫn tập trung vào công việc kinh doanh. “Tôi phải dồn sức vì có đến 3 đứa con nhỏ - đứa bé nhất chỉ 1 tuổi rưỡi tại thời điểm đó. Tôi còn có vợ, bố mẹ và cả 55 nhân viên phụ thuộc vào tôi vì miếng cơm, manh áo.”
Anh cũng tin tưởng vào những điều tích cực. “U lympho Hodgkin có khả năng được chữa khỏi khá cao, với tỉ lệ thành công 90% ở giai đoạn 2A và 95% cơ hội không tái phát trong vòng 5 năm. Hơn nữa, hóa trị tương đối nhẹ và có tác dụng phụ ở mức tối thiểu.”
Anh cũng nhớ lại những lần các con của anh khỏi bệnh một cách kỳ diệu và anh tin rằng mình cũng sẽ như thế. Con gái anh từng có lần ở trong phòng ICU (hồi sức cấp cứu) 83 ngày liền vì một khuyết tật bẩm sinh. Hai đứa con trai còn lại của anh cũng đã có những lần hồi phục thần kỳ - một đứa từ một cuộc phẫu thuật thoát vị, và đứa còn lại thì bị vỡ nhau thai từ trong bụng mẹ.
Marcus nói: “Tất cả những trải nghiệm như thế đã củng cố niềm tin của tôi”.
Cải tổ doanh nghiệp
Bất chấp những chẩn đoán bệnh ung thư, Conspec vẫn tiếp tục các hoạt động như thường ngày, Marcus vẫn tham gia vào mọi việc.
“Tôi vẫn tham gia vào công việc trong lúc điều trị. Trước đây, công ty hoạt động theo đúng kiểu doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ. Theo mô hình này các thành viên trong gia đình đóng vai trò chủ chốt, không chú trọng phát triển tài năng, mục tiêu, chiến lược kinh doanh và tiếp thị. Cũng chẳng có cuộc họp thường xuyên giữa các nhân viên để nói chuyện về vấn đề này.”
Tháng 11/2014, Marcus sang Singapore để xạ trị trong 4 tuần. Việc kinh doanh tiếp tục được thực hiện mà không có anh và kết quả là nhiều vấn đề đã không được quan tâm.
Điều này thúc đẩy Marcus phải tìm cách nhanh chóng phát triển đội ngũ quản lý. Những năm trước đây, tần suất nhân viên ra vào khá nhiều cũng khiến anh phải thực hiện nhiều sáng kiến hơn: tạo ra một chương trình khen thưởng nhân viên; tăng gấp 5 lần chi tiêu cho các hoạt động nhân sự; thuê tư vấn để tiến hành đào tạo nội bộ; lập kế hoạch và theo dõi tiến độ của công ty; huấn luyện các trưởng nhóm tiếp quản các hoạt động hàng ngày.
Marcus cũng đã xây dựng một trụ sở mới kiêm nhà kho có diện tích 2.800 m2 và một cơ sở sản xuất có diện tích 3.700 m2.
Thoát khỏi ung thư
Marcus ban đầu dự kiến sẽ phục hồi trong 9 tháng. Nhưng anh đã hồi phục khá nhanh và đã trở lại làm việc 5 ngày, sau khi phiên hóa trị đầu tiên kết thúc. Anh hồi phục hoàn toàn vào tháng 12 năm 2014.
Trong khi hầu hết các bệnh nhân ung thư mất đến 1 năm để hồi phục, Marcus đã có thể chạy 5 km không nghỉ chỉ 1 tháng sau lần hóa trị cuối cùng.
“Năm 2015 đã trở thành một năm tăng trưởng theo cấp số nhân trong mọi mặt tài chính, sự nghiệp, tôn giáo và đời sống xã hội của tôi. Tôi cũng được gặp các bác sĩ Peter và Abby, những người hiện đang tham gia vào hội đồng quản trị chung với tôi. Họ bắt đầu huấn luyện tôi trong các lĩnh vực kinh doanh, đức tin và sức khoẻ - điều đó đã ảnh hưởng tích cực trong cuộc đời tôi kể từ đó.”
Ung thư trở lại
Tới cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu tiên sau khi thoát khỏi ung thư, Marcus cảm thấy lo lắng. Bởi vì bề ngoài anh trông rất khỏe mạnh, nên bác sĩ đã đề nghị không cần phải thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu. Nhưng Marcus vẫn cứ khăng khăng kiểm tra.
“Cái khoảnh khắc chờ kết quả siêu âm giống như chờ đợi vị thẩm phán ra phán quyết để xem liệu tôi có tội hay vô tội. Trái tim tôi đã chìm trong tuyệt vọng vì tôi biết tôi lại phải đối mặt với án tử hình một lần nữa.”
Marcus nhớ lại: “Phản ứng của tôi khi nghe kết quả rất khác so với lần đầu tiên, bởi vì điều này thật là không thể tin được.Tôi đã có 95% cơ hội thoát khỏi ung thư hoàn toàn, và tại sao tôi lại phải nằm trong số 5% bị tái phát trong vòng một năm?”.
Vượt qua nghịch cảnh
Sự hoài nghi, mông lung và nỗi buồn ngập tràn trái tim Marcus. Anh kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với các nhà quản lý trong công ty.
Anh nói: “Trong cuộc họp đó, tôi đã để mình trôi theo dòng cảm xúc. Tôi không thể cầm được dòng nước mắt của sự thất vọng và sợ hãi trước lo lắng về sinh mạng của bản thân. Ngày hôm ấy, không ai có thể giấu được giọt nước mắt và mọi người đã bảo đảm rằng sẽ cố gắng hết sức để tôi yên tâm điều trị.”
Lần thứ hai nghiêm trọng hơn lần thứ nhất. Marcus đã trải qua một chương trình điều trị rất nặng, và không thể tiếp tục công việc của mình tại nơi làm việc dễ dàng như trước.
Quá trình điều trị gây ra nhiều tác dụng phụ như bệnh zona, buồn nôn và nhiễm virus dạ dày gây ra tiêu chảy gần 20 lần một ngày.
“Những cơn sốt cao làm cho tôi tưởng mình gần như không còn sống nữa. Tôi thực sự có lúc nhìn chằm chằm vào cái chết đang lập lờ trước mặt mình.”
Thay đổi quan điểm sống của bản thân
Trong quá trình điều trị, gia đình, bạn bè và nhân viên đã đến thăm Marcus. Nhiều người còn hiến máu cho anh, sau khi thấy kết quả xét nghiệm máu của Marcus liên tục bị rối loạn do quá trình điều trị.
Vào thời điểm dễ tổn thương và yếu đuối nhất cuộc đời, Marcus đã học được bài học lớn nhất của mình:
“Tôi không phải là người kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi không phải là một anh hùng. Tôi cần những người xung quanh tôi. Nhìn thấy sự chăm sóc và quan tâm của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã làm cho trái tim tôi thay đổi. Tôi phải học cách nhìn nhận từng người như những cá nhân, chứ không phải là một công cụ trong kế hoạch vĩ đại ích kỷ của mình để trở thành một doanh nhân thành đạt.”
Nhưng giống như một phép lạ, Marcus một lần nữa đánh bại được căn bệnh ung thư ác tính và hồi phục hoàn toàn vào tháng 5/2016.
Những chiến thắng xứng đáng
2 vợ chồng Marcus nhận giải thưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc. Ảnh: TIA |
Giống như đợt ung thư đầu tiên, mọi thứ trong công ty vẫn chạy trơn tru trong khi Marcus vắng mặt. Conspec có dòng tiền mặt cực kỳ lành mạnh, với mức dự trữ ở mức cao nhất từ trước tới giờ. Công ty cũng đã giành được nhiều hợp đồng với giá trị lớn nhất trong suốt 6 tháng anh tiếp nhận điều trị.
Conspec đã thu hút được sự quan tâm của các phương tiện truyền thông và đã nhận được sự công nhận từ xã hội, với những giải thưởng như lọt vào nhóm 100 Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Tăng trưởng Tốt nhất, giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc của báo The Star, và Giải thưởng Danh dự của Viện Kiến trúc Cảnh quan Malaysia.
Với Marcus, đây là 5 bài học lớn nhất mà anh nhận được từ 2 lần sống sót với bệnh ung thư:
- Sự khiêm tốn là đức tính vĩ đại nhất, và không ai có thể thành công một mình.
- Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, vì vậy chúng ta cần phải đối xử với họ một cách rộng rãi và thưởng cho họ mỗi khi đạt được thắng lợi.
- Hãy làm tất cả mọi thứ với sự chân thành và trung thực.
- Tiền không phải là tất cả. Hãy khôn ngoan hơn trong chi tiêu, và khen thưởng một cách rộng lượng.
- Chúng ta cần có sức khỏe, gia đình và nguồn tài chính bảo đảm để thành công.
Lời khuyên từ Marcus
“Hãy sống thật mạnh mẽ và tích cực,và hãy luôn ngẩng cao đầu. Hãy làm điều đó vì những người thân yêu xung quanh bạn, bởi vì họ cũng đang đau khổ khi nhìn thấy bạn đương đầu với bệnh tật. Chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến hoặc cũng có thể thua cuộc, nhưng sẽ có những bài học đáng giá được rút ra từ cuộc hành trình. Hãy sử dụng những bài học này để thay đổi cuộc sống của những người xung quanh ta, để bản thân có thể tự mỉm cười khi biết rằng chúng ta đã để lại một tác động tích cực đến cuộc sống của họ.”
Ý Nhi
Nguồn TechInAsia