14 bài học cuộc sống mà bạn ước gì mình được học trong trường
Đây là một bài viết của ông Ben Carlson, tác giả của blog “A Weath of Common Sense” (Kho tàng trí khôn), và là giám đốc quản lý tài sản của Ritholtz Wealth Management.
"Tôi đã có cơ hội nói chuyện với một số sinh viên trong vài năm qua. Và tôi luôn ấn tượng về sự hăng hái của các sinh viên hiện nay so với thời của tôi. Tại những cuộc nói chuyện đó, tôi hầu như cố gắng chia sẽ câu chuyện của tôi và trao đổi với họ về một số điều mà tôi ước gì tôi được học trong trường.
Tuần này, tôi đã có buổi nói chuyện tại một lớp kinh doanh tại Đại học Grand Valley State. Nhân buổi này, tôi đã viết lại một số ghi chú và lời khuyên mà tôi ước tôi được học trong trường đại học:
1. Đam mê không thôi là chưa đủ
Con người ta thường “thích làm những gì mà mình thích”, nhưng tôi nhận ra rằng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta thử nghiệm và xác định rằng mình giỏi cái gì trước. Tôi không phải là người đọc tờ Wall Street Journal lúc 10 tuổi. Tôi chỉ bắt đầu yêu thích đầu tư và tìm hiểu về thị trường chứng khoán sau khi đã trải qua một thời gian làm việc này, và việc viết lách cũng không phải là ngoại lệ.
2. Học về tâm lý học hành vi và bản chất con người
Bạn phải hiểu về hành vi của con người nói chung, và các mà những thứ như động lực, điểm mù, và sự bất đồng về nhận thức điều khiển hành vi của bạn. Bản chất con người là một chủ đề đáng để học, những rất ít người bỏ ra thời gian để tìm hiểu nó. Việc nhận ra những định kiến của chính bạn và người khác sẽ giúp bạn hiểu thế giới vận hành như thế nào.
3. Đừng chỉ biết dội bom thư xin việc.
Gửi hàng trăm đơn xin việc cho tất cả vị trí đang tuyển dụng là một chiến lược tệ hại để xin việc, vì như vậy bạn sẽ không bao giờ được chú ý. Bạn nên viết đơn xin việc và CV của mình nhắm đến một số công ty cụ thể, và bạn phải tìm hiểu thêm về các công ty này trước khi viết đơn xin việc. Bạn cũng có thể tiếp cận một số người đang làm trong những ngành nghề mà bạn quan tâm, để tìm hiểu về kinh nghiệm làm việc. Con người ta thì thường thích nói về bản thân minh, vì thế bạn nên tìm cách rủ họ đi uống cà phê và tìm hiểu công việc thực tế sẽ như thế nào.
4. Tránh xa tư tưởng bỏ cuộc
Đừng quá để tâm tới những bình phẩm của người khác rằng thị trường việc làm đang rất ảm đạm, hay là những khoản vay nợ học phí đang đè nặng lên vai người trẻ. Đừng để những điều đó đưa ra quyết định giùm bạn. Đừng để ý tới những gì người khác đang làm. Tập trung vào việc cải thiện mình, và tránh xa những người tiêu cực.
5. Suy nghĩ một cách hệ thống, thay vì chỉ theo đuổi các mục tiêu chung chung
Mục tiêu của bạn có thể là: Làm thế nào để tích lũy 1 triệu USD? Việc suy nghĩ một cách có hệ thống có nghĩa là: Làm thế nào để thực hiện các bước để trở thành một người giàu có hơn theo thời gian? Nếu bạn chỉ biết nghĩ tới mục tiêu cuối cùng, nó có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng nếu bạn còn ở quá xa.
Bạn không thể kiểm soát cuộc sống và tất cả những điều không thể dự báo trước, vì thế tốt hơn hơn là bạn hãy xây dựng một hệ thống tốt để tuân theo, với hy vọng những điều bạn mong đợi sẽ đến. Làm theo cách này, một khi gặp thất bại bạn sẽ không cảm thấy quá thất vọng và có thể sẵn sàng chấp nhận các thách thức khác với một kế hoạch đã được vạch ra sẵn.
6. Tránh chi tiêu phung phí
Việc cứ tiếp tục sống như thời sinh viên trong một vài năm sau khi ra trường cho đến khi bạn biết làm thế nào để sử dụng đồng tiền cho cuộc sống của mình không phải là một ý tưởng tồi. Ít nhất là hãy tập làm quen với việc kho tiêu xài hoang phí ngay khi bạn được trả một số tiền lớn. Ngoài ra, hãy chịu khó đọc một vài cuốn sách về tài chính.
7. Bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt
Đây là quyết định quan trọng nhất mà bạn có thể làm, đặc biệt là khi còn trẻ. Hãy gia tăng số tiền bạn tiết kiệm được mỗi năm, biến nó thành một thói quen, và tương lai sau này của bạn sẽ được đảm bảo.
8. Học hỏi không ngừng
Một trong những cách để trở nên thông minh hơn là đọc càng nhiều sách về nhiều chủ đề càng tốt. Nó sẽ bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của bạn. Tôi thấy rằng những người đọc nhiều sách thì thường làm việc tốt hơn những người thông minh theo kiểu bẩm sinh.
9. Hiểu rõ về khác biệt giữa năng suất cao và thời gian làm việc. Đa số những người làm việc 70-80 giờ một ngày mà tôi có dịp nói chuyện thường rất bận rộn, nhưng năng suất của họ thật sự lại không cao. Một số công việc sẽ làm cho bạn rất bận rộn, nhưng việc tìm ra cách để tăng năng suất của bạn là rất cần thiết nếu bạn muốn tận hưởng thời gian ngoài công việc hay là có một sự nghiệp trọn vẹn.
10. Chủ động đặt câu hỏi
Bạn có thể trông giống như một kẻ ngốc nếu lúc nào cũng đưa ra thắc mắc, nhưng cách để tôi tiến bộ trong công việc của mình là đặt câu hỏi bất kì khi nào tôi không hiểu về một việc gì đó. Nó không chỉ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra nhanh hơn mà còn cho thấy bạn thực sự quan tâm tới vấn đề. Từ đó, bạn có thể học hỏi nhanh hơn và tham gia giải quyết những vấn đề của người khác.
11. Chăm sóc sức khỏe bản thân
Khi tôi còn học đại học, tôi có thể ăn thức ăn nhanh cả tuần, hay tiệc tùng cả ngày cho đến 2-3 giờ sáng và mà vẫn đủ sức khỏe để thức dậy và bắt đầu một ngày mới. Nhưng khi bạn lớn lên thì bạn sẽ không làm được việc này nữa. Bạn cần phải ăn uống điều độ, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Nó sẽ giúp bạn có thêm năng lượng và cảm thấy thoải mái hơn về bản thân, và từ đó sống lâu hơn.
12. Học các kỹ năng bán hàng
Sớm muộn trong cuộc sống thì bạn cũng phải trở thành người bán hàng. Bạn phải có khả năng bán bản thân mình, thông điệp của mình, sản phẩm của mình, công ty của mình hay triết lý của mình.
13. Bước ra ngoài vùng an toàn
Hãy thử chuyển sang sống ở một thành phố mới. Làm thử một công việc thú vị dù bạn biết sẽ có rủi ro. Đừng cố bám trụ tại một công ty nếu bạn không thích công việc ở đó, bạn không cần phải gắn bó cả đời với một công việc. Hãy mạnh dạn chấp nhận rủi ro nếu bạn cảm thấy có đủ thời gian và khả năng để đứng dậy trở lại.
14. Và cuối cùng, hãy luôn vui vẻ
Cuộc sống là phải biết cân bằng. Tôi thích đi du lịch một vài năm trước khi đón nhận những trách nhiệm của một người trưởng thành. Hãy tranh thủ tận hưởng cuộc sống khi mình còn trẻ và tràn đầy năng lượng."
Bá Ước
Nguồn MarketWatch