13 bước ai cũng làm được để trở nên giàu có
“Công thức kỳ ảo” 13 bước này không đề cập đến “tiền” hay “tài sản” mà thay vào đó tập trung vào cách khắc phục những rào cản tâm lý cản trở chúng ta trở nên giàu có. Sau gần 8 thập kỷ, công thức kỳ ảo này vẫn còn nguyên giá trị.
Dưới đây là công thức kỳ ảo 13 bước của Napoleon Hill mà ai cũng có thể làm được để thành công trong còn đường làm giàu.
1. Khát khao: Bạn phải muốn có được nó
Tất cả những người giàu có đều bắt đầu từ mơ ước, hy vọng, lên kế hoạch và niềm khao khát trước khi thành đạt. Họ tưởng tượng sự giàu có trước khi họ nhìn thấy chúng trong tài khoản ngân hàng.
Theo như giải thích của Napoleon Hill, chỉ có ước muốn thôi không mang lại sự giàu có. Nhưng luôn khao khát giàu có đến mức ám ảnh và rồi vạch ra những kế hoạch, cách thức rõ ràng để trở nên giàu có và kiên trì theo đuổi những kế hoạch này, không chấp nhận thất bại, rốt cuộc sẽ mang lại sự giàu có thực sự.
2. Niềm tin: Tin rằng bạn có thể đạt được mục tiêu đề ra
Sự giàu có bắt đầu từ suy nghĩ - với niềm tin rằng bạn có thể kiếm được nhiều tiền và khối tài sản lớn.
Của cải và tài sản hình thành từ trong tâm tưởng. Khối lượng tài sản bị giới hạn bởi suy nghĩ của con người và rồi chính niềm tin sẽ phá vỡ những giới hạn đó!
Trở nên giàu có không phải là một đặc ân hay đặc quyền. Trở nên giàu có là điều đúng đắn. Nếu bạn tạo ra giá trị lớn cho những người khác, bạn cũng có quyền giàu có như bạn mong muốn.
3. Tự kỷ ám thị: Khẳng định có thể đạt được mục tiêu
Để biến khát khao giàu có và thành công thành hiện thực, bạn cần phải đưa vào tâm trí bạn những cụm từ và ý tưởng lặp đi lặp lại để hỗ trợ cho mục tiêu đã đề ra. Bạn phải nói to và nhắc đi nhắc lại những gì bạn mong muốn và kế hoạch để đạt được chúng sao cho bạn cảm thấy “ám ảnh” với mục tiêu này.
Khả năng sử dụng thuật tự kỷ ám thị này phụ thuộc rất lớn vào khả năng tập trung của bạn vào khát khao cho đến khi khao khát này trở thành nỗi ám ảnh bùng cháy trong bạn.
Chẳng hạn, nếu đặt mục tiêu tiết kiệm 1 triệu USD cho việc nghỉ hưu bằng cách dành dụm mỗi tuần, mỗi ngày bạn phải nhắc đi nhắc lại càng nhiều lần càng tốt rằng “Tôi sẽ để dành tiền trong tuần này để có được 1 triệu USD sau khi nghỉ hưu”.
4. Kiến thức chuyên sâu: Rút kinh nghiệm và liên tục học hỏi
Tri thức là sức mạnh tiềm ẩn. Giáo dục chỉ phát huy tác dụng và mang lại sự giàu có khi chúng được tổ chức tốt và ứng dụng vào cuộc sống. Tri thức phải là những gì bạn luôn luôn phải kiếm tìm và học hỏi suốt đời.
Người thành đạt, dù ở lĩnh vực nào, không bao giờ ngừng trau dồi kiến thức chuyên sâu liên quan đến mục đích, lĩnh vực kinh doanh hay nghề nghiệp của họ. Những người không thành công thường mắc sai lầm khi tin rằng việc có được tri thức và kiến thức kết thúc khi tốt nghiệp.
Người giàu thích được giáo dục và học hỏi hơn là giải trí. Như Warren Buffet chẳng hạn. 80% thời gian mỗi ngày của ông là dành cho việc đọc.
5. Tưởng tượng: Đưa ra những ý tưởng và hình dung thành công của bạn
Nếu bạn có thể hình dung ra được điều gì đó, bạn có thể tạo ra nó.
Ý tưởng là điểm khởi đầu của mọi sự giàu có và tài sản. Ý tưởng là sản phẩm của trí tưởng tượng … Sự giới hạn của con người nằm ở việc phát triển và sử dụng trí tưởng tượng.
Đừng sợ phải đưa ra và phát triển những ý tưởng.
"Dù bạn là ai, sống ở đâu, làm nghề gì, hãy nhớ rằng gã khổng lồ Coca-Cola cũng chỉ xuất phát từ một ý tưởng đơn thuần mà thôi", Napoleon Hill viết.
6. Lên kế hoạch: Hành động
Ngay khi bạn hình dung ra thành công của mình, bạn cần hành động và theo đuổi điều bạn thực sự mong muốn. Bạn phải kiên trì và đầy nhiệt huyết.
Mọi người luôn có cơ hội. Hãy bước lên phía trước, chọn cái bạn muốn, tạo dựng kế hoạch, đưa kế hoạch vào hành động và kiên trì theo đuổi.
Hầu hết chúng ta đều là những người “khởi đầu tốt” nhưng “kết thúc tệ”. Hơn nữa, con người ta luôn có xu hướng bỏ cuộc ngay khi những khó khăn đầu tiên xuất hiện. Lòng kiên định là thứ không gì thay thế được.
Ví dụ, nếu bạn đang tìm cách làm giàu, hãy bắt đầu bằng việc lập kế hoạch tài chính và quyết định chính xác bạn muốn tiền của mình chảy về đâu.
7. Quyết định: Đánh bại mọi sự trì hoãn bằng tính quyết đoán
Phẩm chất then chốt mà Napoleon Hill nhận thấy ở tất cả những người thành công trong nghiên cứu của ông là tính quyết đoán. Những người có thể đưa ra quyết định nhanh chóng đều biết rõ điều họ muốn và họ thường đạt được những gì họ muốn.
Những người thất bại trong việc tích lũy tiền bạc thường có thói quen đưa ra quyết định một cách chậm chạp và thường xuyên cũng như nhanh chóng thay đổi quyết định.
Tính quyết đoán không chỉ là phẩm chất của người giàu, mà còn là đức tính quan trọng nhất một nhà lãnh đạo phải có. Tóm lại, thà đưa ra một quyết định tồi còn hơn không đưa ra quyết định nào cả.
8. Lòng kiên định: Không dừng lại cho đến khi bạn có được điều mình muốn
Kiên trì là yếu tố sống còn khi cố gắng trở nên giàu có, nhưng chỉ vài người có được đức tính này để biến khát khao giàu có trở thành hiện thực.
Sự giàu có không sinh ra từ sự mong ước. Chúng chỉ được tạo ra từ những kế hoạch rõ ràng với niềm khát khao cụ thể cùng lòng kiên định. Những người thành công nhất luôn sẵn sàng đối diện và vượt qua thất bại.
9. Quyền lực của trí tuệ ưu tú: Kết giao với người giỏi
Những người giàu có nhất tạo ra “Trí tuệ ưu tú” (Master Mind), nghĩa là họ luôn kết giao với những người bạn và đồng nghiệp tài năng và có cùng chí hướng. Sự liên kết của những trí tuệ thông minh và sáng tạo sẽ mang lại sức mạnh lớn hơn rất nhiều.
Không một cá nhân nào có quyền lực vĩ đại nếu không được sự trợ giúp của “Trí tuệ ưu tú”…
Nhiều bộ não khi được kết nối với nhau trong tinh thần của sự hài hòa sẽ tạo ra khả năng suy nghĩ mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, cũng giống như nhiều quả pin sẽ cho ra nguồn năng lượng bền hơn và hiệu quả hơn một quả pin.
Đó là lý do vì sao người giàu thường có xu hướng kết giao và làm bạn với người giàu.
10. Bí mật của cuộc sống tình dục: Hãy chọn bạn đời phù hợp
Năng lượng tình dục là nguồn năng lượng mạnh mẽ đáng kinh ngạc - nó tạo ra đời sống vật chất và phát triển cuộc sống xúc cảm và khi được kiểm soát và điều hướng, nó có thể nâng cao khả năng sáng tạo, lòng đam mê, sự nhiệt tình, tính kiên định của chúng ta - những yếu tố tối quan trọng để tiến đến sự giàu có.
Tình yêu, sự lãng mạn và tình dục là những cảm xúc có thể giúp con người đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Khi được kết hợp lại, 3 yếu tố cảm xúc này có thể đưa một người trở thành tài năng xuất sắc.
Có được người bạn đời tâm đầu ý hợp đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong sự nghiệp. Nghiên cứu của Napoleon Hill cũng cho thấy, có được người bạn đời (chồng/vợ) tận tâm và chu đáo có thể giúp lương của bạn tăng thêm 4.000 USD/năm.
11. Tâm trí tiềm thức: Làm chủ năng suất và gạt bỏ những xúc cảm tiêu cực
Nếu thực sự muốn giàu có, bạn phải luôn nuôi dưỡng khát khao và sau đó là kế hoạch trong tâm trí tiềm thức (subconscious mind).
Nếu bạn không thể nuôi dưỡng khao khát trong tâm trí tiềm thức của mình, nó sẽ giúp bạn một việc là dần quên đi.
Cảm xúc tích cực và tiêu cực không thể cùng lúc xâm chiếm tâm trí bạn. Hoặc cái này hoặc cái kia sẽ chiếm ưu thế. Trách nhiệm của bạn là đảm bảo rằng cảm xúc tích cực hình thành và thống trị tâm trí bạn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người lạc quan và vui vẻ thường làm tốt công việc hơn và nguy cơ thất nghiệp thấp hơn.
12. Não bộ: Kết nối với những thông thái khác và học hỏi từ họ
Não bộ của chúng ta là “bộ truyền phát và tiếp nhận suy nghĩ và tư tưởng” - nó tiếp nhận suy nghĩ từ những người khác xung quanh chúng ta, do vậy, việc kết nối với những những thông minh, sáng tạo và tích cực đóng vai trò rất quan trọng.
Nguyên tắc này đơn giản là sự áp dụng quy tắc “Trí tuệ ưu tú” (Master Mind) ở trên nhưng tiến xa hơn một bước - thay vì chỉ kết giao với những người tài giỏi và thông minh, hãy sử dụng các thành viên trong nhóm của bạn để tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Napoleon Hill gọi đây là “hợp nhất trí tuệ”.
Quy tắc này đi xa hơn việc chỉ đơn giản là kết giao với những người tài giỏi, bạn phải biết cách tương tác để cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề. Hills gọi đây là việc "hợp nhất trí óc".
13. Giác quan thứ sáu: Tin vào linh cảm
Quy tắc cuối cùng - giác quan thứ sáu - chỉ áp dụng sau khi bạn đã hiểu và nắm rõ 12 nguyên tắc trên.
Với sự giúp đỡ của giác quan thứ sáu, bạn sẽ cảm nhận được những cơ hội cũng như rủi ro sắp xảy đến.
Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải đợi đến năm 40 tuổi mới có thể thấy được sự thay đổi trong trực giác của mình. Khi ấy, bạn đã đủ khôn ngoan để đưa ra những quyết định thông minh một cách bản năng nhất.
Nhật Trường
Nguồn BI