1.000km sa mạc của Thanh
"Sau khi mặt trời lặn, tôi lần mò trong bóng tối, màn sương dày đặc khiến ngọn đèn tôi đem theo chẳng sáng được là bao. Khó chịu và sợ sệt khi nghe tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Những đốm sáng xanh lét tôi tưởng là dấu hiệu chỉ đường bỗng vụt chuyển động khiến tôi rùng mình nhận ra đó là cặp mắt của một loài sói”, Vũ Phương Thanh nhớ lại kỷ niệm trong chuyến hành trình vừa kết thúc. Thật khó tưởng tượng cô gái xinh đẹp và nhỏ nhắn này lại là người phụ nữ châu Á đầu tiên vượt qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới với tổng chiều dài 1.000km.
Kể tiếp câu chuyện, Thanh nhớ sau khi rã rời về đến trại, mệt muốn bỏ cuộc, cô lại nhớ đến đoàn 14 người tham gia vượt sa mạc đến từ Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong họ có 3 người khiếm thị, có người còn bị bạch tạng phải trùm kín tránh ánh mặt trời từ đầu đến chân. Phải luôn đối mặt với bóng tối và chỉ được dẫn đường bằng tiếng chuông từ đồng đội, song đoàn người luôn lạc quan, đoàn kết dù luôn về đích cuối cùng. Cảm thấy may mắn hơn họ biết bao nhiêu, nhờ vậy cô gái trẻ lấy lại được tinh thần cho ngày kế tiếp.
Cách đây vài năm, môn chạy đến với Thanh khá tình cờ, cô không phải là người có khiếu thể thao, thường là học sinh nhỏ con nhất lớp. Một cuộc phẫu thuật đã khuyến khích Thanh tập chạy để khỏe hơn. Dần dần, cô yêu thích và tham gia nhiều giải chạy lớn nhỏ như Ultra Marathon The North Face 100, bán IronMan ở Bintan, Indonesia. Cô gái nhỏ nhắn từng xếp thứ nhất người Việt Nam U29 nữ trên hệ thống tính điểm toàn cầu của IronMan cuối năm 2015, đứng thứ 2 trong giải chạy Cần Giờ ở cự ly 42km và về đầu trong nhóm U29 nữ tại giải chạy sa mạc Atacama.
Thanh không phải vận động viên chuyên nghiệp mà là một du học sinh Canada chuyên ngành quản trị kinh doanh, từng làm việc tại nhiều quốc gia với công việc lý tưởng mà nhiều bạn trẻ mơ ước. Công việc gần nhất của Thanh là quản lý khách hàng tại chi nhánh Bloomberg ở Singapore. Hai năm rưỡi với những ngày chỉ “ăn, ngủ, làm việc” khiến Thanh... sợ. Sợ bị gói gọn trong vùng an toàn, sợ rằng tuổi trẻ đã êm đềm đến thế thì tuổi 30, 40 sẽ là người ra sao? Câu trả lời tình cờ được cô tìm thấy qua một quyển sách.
Trong một chuyến công tác quan trọng để được thăng chức lên vị trí mong muốn, Thanh được một người bạn giới thiệu quyển Runaway Success của tác giả Thaddeus Lawrence, người từng vượt qua 4 sa mạc khắc nghiệt trong giải 4 Desert Grand Slam do Tạp chí Time khởi xướng. Thanh ngấu nghiến và không thể đặt quyển sách xuống được. Chính cô cũng không ngờ, chỉ 2 năm sau khi đọc quyển sách, Thanh là người phụ nữ châu Á đầu tiên sải bước trên sa mạc trong chính hành trình này.
Để dành được một khoản tiền và xin được tài trợ, Thanh nghỉ việc và dồn toàn sức lực cho việc luyện tập. Mỗi ngày cô dậy từ 5 giờ sáng, tập với huấn luyện viên nhiều loại hình khác nhau. Mỗi tuần, Thanh chạy và đi bộ 85-115km, tập phối hợp bơi, đạp xe và chạy, luyện cho đôi chân hoạt động liên tục 10-12 tiếng/ngày dưới nắng nóng và sức nặng của balô.
Chuyến đi yêu cầu vận động viên phải tự chuẩn bị và đeo balô những vật dụng cần thiết như túi ngủ, dụng cụ cấp cứu, đồ ăn... Ban đầu chưa có kinh nghiệm, balô của Thanh nặng nhất đoàn, gần 12kg, sau đó giảm còn 9kg, rồi 7,2kg. Cô nghiêm khắc chỉ đem theo những đồ ăn có ít nhất 4 calo/gram. Trong chuyến đi, buổi sáng, Thanh ăn lúa mạch đen và một thanh Probar. Lúc chạy liên tục uống nước và bổ sung điện giải. Đến trại, cô lập tức kiểm tra bàn chân, giãn cơ, uống bột protein để phục hồi cơ bắp và ăn lương thực khô.
Bốn sa mạc khắc nghiệt với những cái nhất thế giới mà thoạt nghe ai cũng rùng mình: sa mạc Atacama (Chilê) khô nhất; Namibia (Sahara) nóng nhất; Gobi gió nhất; và sa mạc băng Antartica (Nam Cực) lạnh nhất. Mỗi sa mạc 250km phải hoàn thành trong 1 tuần.
Cảm giác hưng phấn khi chạy do não tiết ra endorphin nhanh chóng qua đi, thay vào đó là không biết bao nhiêu thử thách tột cùng về tinh thần và thể chất cho cô gái trẻ. Chân phồng rộp khi chạy do cọ xát liên tục với giày, da mặt sưng lên và bong tróc, đầu gối đau đớn như gãy nát, đất cát phủ lên người còn mồ hôi đọng thành muối trên mặt... trở nên quen thuộc với Thanh trong thời tiết sa mạc ban ngày nóng như đổ lửa, còn đêm thì âm độ. Không ít lần Thanh tự hỏi bản thân đã đánh đổi những căn phòng trong khách sạn 5 sao, những bộ váy công sở đắt tiền để đổi lấy những giờ vùi mình trong cát sa mạc để làm gì?
Tài khoản LinkedIn của Thanh miêu tả bản thân là “Chuyên gia tài chính và người phiêu lưu mạo hiểm”, nhưng nhiều người không dám vượt khỏi vòng tròn an toàn của mình, có lẽ Thanh đã xác định được mình là ai khi liên tục vượt ngưỡng chịu đựng, được tiếp xúc nhiều người và học hỏi từ nhiều nền văn hóa qua chuyến hành xác đáng nhớ.
Sa mạc Atacama nằm trên địa hình cao, không khí loãng thường gây sốc cho vận động viên nếu không kịp thích nghi. Để chuẩn bị cho nơi này, Thanh đã đến vùng Ladakh của Ấn Độ, Sai Kung - Hồng Kông để tập luyện. Không tránh khỏi tình trạng đau đầu vì độ cao, đôi khi vừa đi vừa nôn thốc tháo, nhưng sự chuẩn bị cẩn thận đã giúp Thanh phần nào sẵn sàng.
Đến với Atacama, sa mạc khô cằn nơi mà xương rồng cũng không sống nổi, 3 ngày chạy đầu đã làm Thanh thấm mệt và không ngủ được, rồi cảm giác kiệt sức đến trong ngày thứ 4, hoa mắt, toàn thân rã rời. Thanh tự hỏi mình có thể đi tiếp 30km nữa không sau khi đã đi hơn 120km? Song, cô nhớ lại người đàn ông 60 tuổi đã chinh phục Atacama với một chiếc chân giả, nghĩ đến kỳ vọng của người thân, cô gái trẻ như được kéo về phía trước và chỉ sụt sùi khóc khi về đến trạm nghỉ sau khi cố kìm nén trong lúc chạy vì sợ... mất điện giải. Về đích, Thanh xếp thứ 3 trong nhóm U29 nữ tại sa mạc Atacama.
Sa mạc Gobi là nỗi ám ảnh khiến Thanh biến động tâm lý và gần như bỏ cuộc đến mức cô còn suy tính xem phải làm việc bao lâu mới đủ tiền trả cho nhà tài trợ. Sa mạc bỏng rát trên 50oC như một chiếc máy sấy tóc khổng lồ khiến những vận động viên kinh nghiệm nhất cũng mất sức. Thanh không ăn gì nổi vì cảm giác buồn nôn cứ chực trào, còn nước uống nóng ran như nhựa bị chảy. Gió thốc mạnh mù mịt bão cát, còn đoàn người không thấy lối ra nhưng vẫn phải hoàn thành hàng cây số đường chạy. Đêm đến, cả đoàn phải núp dưới các tảng đá vì lều đã bị gió thổi phăng đi. Những suy nghĩ tiêu cực bủa vây và suýt đánh gục cô gái trẻ. Đỉnh điểm cô nhớ đến là năm 2010, từng có người mất mạng trong cuộc đua, hay 6 vận động viên từng bị bỏng khi bị kẹt ở một đám cháy rừng trong giải tổ chức tại Úc.
May mắn, trong vài tháng nghỉ ngơi cho chặng đua kế tiếp, một người bạn rủ Thanh tham gia giải chạy tại Malaysia. Cảm giác sải chân trên đường chạy một lần nữa cứu cánh Thanh và giúp cô tìm lại được lý do vì sao mình lại bắt đầu hành trình ấy.
Vượt qua Sahara, chặng đua cuối cùng ở Antarctica, Nam Cực là kỷ niệm đáng nhớ với Thanh. Chạy trong thời tiết âm độ lúc thì trên băng cứng như đá, lúc ở các lớp tuyết xốp dễ hụt chân, khi thì gồ ghề như các thửa ruộng vừa cày xong... Nhưng cũng không thiếu những khi khoan khoái chạy giữa bầy chim cánh cụt hay đứng trên đỉnh núi tuyết và quan sát Nam Cực thu gọn trong tầm mắt như những mảng kính khổng lồ.
Đau đớn thể xác trở nên quen thuộc, song với Thanh, để giải thích với gia đình, mọi người về ước mơ của mình còn khó hơn nhiều lần. Không ít lần “máu tài chính” nổi lên, cô gái đã nhẩm tính mình đã mất đi hàng tỉ đồng tiền lương, hao hụt tiền tiết kiệm, mất đi thời gian xây dựng tổ ấm... Song, cũng từng đó lần Thanh nhận ra, chỉ suy nghĩ thụt lùi như thế thì đã thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình.
Những khó khăn đã qua, mẹ Thanh trêu cô con gái: “Ở tuổi mà vận động viên người ta bắt đầu nghỉ hưu thì mình mới bắt đầu tập luyện”. Còn bố cô cứ nửa đùa nửa thật hỏi: “Khi nào con đi làm lại?”. Thanh đã tự tin trả lời những gì cô làm bây giờ cũng là một công việc, thậm chí chất lượng cuộc sống cô cảm nhận còn tăng lên nhiều lần. Trở lại cuộc sống bình thường, tích cực tham gia các hoạt động sống khỏe tại Việt Nam và Đông Nam Á và ấp ủ những sự kiện của riêng mình để truyền cảm hứng cho giới trẻ là hành trình tiếp theo mà Thanh đang dấn bước.
Lan Anh