Thực tế, tại nhà máy Schneider Electric Việt Nam, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp giảm khí thải, hướng tới phát thải ròng vào năm 2050.

 
Hân Nguyễn Thứ Hai | 22/07/2024 11:39

Xây dựng hệ sinh thái để doanh nghiệp Việt cùng hướng tới phát triển bền vững

Mặc dù có nhiều cơ chế và chính sách thúc đẩy hướng tới thải ròng bằng 0, nhưng tốc độ chuyển đổi của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá chậm.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố “Việt Nam cam kết loại bỏ dần nhiệt điện than vào những năm 2040 và đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Trong đó, nguồn nhiệt điện than sẽ giảm từ 28% năm 2022 về 0% trong năm 2050.

Để thực hiện cam kết đó, Chính phủ và cơ quan quản lý đã ban hành nhiều quy định hỗ trợ hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Nghị định 06/2022 yêu cầu khoảng 2.000 doanh nghiệp nộp Báo cáo phát thải khí nhà kính và kế hoạch giảm thải (2024-2026), phát triển thị trường tín chỉ carbon hướng tới có thị trường giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Thông qua loại bỏ dần nhiệt điện vào năm 2040, đồng thời tạo cơ chế cho phát triển năng lượng tái tạo thông qua Quyết định 500/QĐ-TTg về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VIII; Nghị định 80/2024/NĐ-CP về Thỏa thuận Mua bán Điện trực tiếp (DPPA); Quyết định 1009/QĐ-TTg về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP); Quyết định 876/QĐ-TTg về Chương trình hành động Chuyển đổi sang năng lượng xanh cho giao thông vận tải; Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế ở Việt Nam liên quan tới khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh…

Mặc dù có nhiều cơ chế và chính sách thúc đẩy doanh nghiệp để hướng tới thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhưng tốc độ chuyển đổi của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá chậm. Trong đó, các doanh nghiệp đang có nhiều lo ngại về việc chuyển đổi với vốn đầu tư lớn, chưa có chính sách ưu đãi hấp dẫn; thiếu chiến lược phát triển bền vững; thiếu hỗ trợ của dữ liệu thị trường; chênh lệch giữa hành lang pháp lý khi ban hành với thực thi khi chưa có Thông tư hướng dẫn.

 

Theo thống kê của Schneider Electric Việt Nam, có khoảng 67% doanh nghiệp ở Việt Nam đều xây dựng, theo dõi và công khai kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, 47% doanh nghiệp có chiến lược toàn diện về phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ ý định tới hành động thực tế đang có khoảng khá lớn khi mà 52% tổng số doanh nghiệp chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu về thực hiện phát triển bền vững.

Thực tế, tại nhà máy Schneider Electric Việt Nam, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp giảm khí thải, hướng tới phát thải ròng vào năm 2050. Trong đó, nhà máy yêu cầu các nhà cung ứng cam kết giảm thải bao nhiêu phần trăm một năm, giảm nhựa sử dụng một lần bằng vật liệu tái chế, dùng thùng giao hàng được tái sử dụng nhiều lần thay vì giấy truyền thống, hướng dẫn khách hàng sử dụng giấy tái chế thay vì giấy thông thường, sử dụng lưới để cố định hàng hóa thay vì dây buộc, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện cung cấp khoảng 30-35% tổng lượng điện năng tiêu thụ, số hóa dữ liệu để cập nhật liên tục về năng lực sản xuất của nhà máy thay cho dữ liệu giấy.

Schneider Electric Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Schneider Electric Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thêm nữa, những sáng kiến và giải pháp tại nhà máy Việt Nam đã được nhân rộng ra hơn 30 nhà máy của Tập đoàn tại các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, châu Đại Dương và châu Á - Thái Bình Dương; nhà máy đã đóng góp sáng kiến thứ 55 về chuyển đổi kỹ thuật số, dẫn đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Nam Mỹ; và nhà máy được vận hành bởi người Việt Nam, vì vậy các ý tưởng, sáng kiến được xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn do chính người Việt phát triển và lan tỏa đến nhiều nước khác.

Với kinh nghiệm vận hành 195 nhà máy, 90 trung tâm phân phối trên toàn quốc, Schneider Electric đã xây dựng được một hệ sinh thái hoàn thiện về khử carbon. Trong đó, hệ sinh thái sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hành trình khử carbon thông qua phương thức tiếp cận 3 bước bao gồm chiến lược hóa (đo lường hiện trạng của doanh nghiệp, xây dựng lộ trình và mục tiêu khử carbon, cấu trúc chương trình và quản trị), số hóa (giám sát sử dụng tài nguyên và phát thải, xác định cơ hội tiết kiệm, báo cáo và so sánh đối chiếu tiến độ) và khử carbon (điện hóa hoạt động, cắt giảm tiêu thụ năng lượng, thay thế nguồn năng lượng, tiếp cận chuỗi giá trị).

Có thể bạn quan tâm:

Năng lượng xanh cho A.I