Khu vực được Chính phủ Anh phê duyệt mở mỏ than. Ảnh: Getty Images.

 
Quỳnh Như Thứ Sáu | 09/12/2022 22:46

Vương quốc Anh mở mỏ than đầu tiên sau 30 năm

Chính phủ Anh phê duyệt mở mỏ than mới sau 30 năm làm dấy lên làn sóng phản đối vì đi ngược với thông điệp tạo ra năng lượng sạch trước đó.

Ngày 07/12, ông Michael Gove, Lãnh đạo Cộng đồng và Chính quyền địa phương Vương quốc Anh đã ký phê duyệt việc mở mỏ than Whitehaven ở Cumbria, thị trấn nằm cách thủ đô London 550 km về phía Tây Bắc.

Các nhà môi trường, cố vấn biến đổi khí hậu Anh đã lên án Chính phủ Đảng Bảo thủ Anh trước quyết định phê duyệt mở mỏ than mới đầu tiên của Vương quốc này sau ba thập kỷ. Quyết định này bị chỉ trích mạnh mẽ vì được cho là đi ngược với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. 

Chính phủ Anh cho biết: “Than từ mỏ than sẽ thay thế than nhập khẩu, và được sử dụng để sản xuất thép hơn là sản xuất điện”. Những người ủng hộ việc mở mỏ than cho rằng dự án sẽ mang lại việc làm rất cần thiết cho địa phương, với dự kiến tạo ra hơn 500 việc làm. 

Mặt khác, các nhà hoạt động môi trường cho rằng mỏ than này là một đòn giáng mạnh vào vị thế của Anh với tư cách là nước dẫn đầu thế giới trong việc thay thế nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm bằng năng lượng tái tạo. Điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ than và khiến Vương quốc Anh khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải của chính mình như: tạo ra 100% năng lượng sạch vào năm 2035, phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

Đoàn người biểu tình khi dự án mở mỏ than được đề xuất vào tháng 9/2021. Ảnh: Getty Images.
Đoàn người biểu tình khi dự án mở mỏ than được đề xuất vào tháng 9/2021. Ảnh: Getty Images.

Ông Paul Ekins, Giáo sư Chính sách Tài nguyên và Môi trường tại Viện Tài nguyên Bền vững UCL, cho biết: “Một mỏ than mới ở Cumbria không có ý nghĩa gì về mặt môi trường hoặc kinh tế. Nó chỉ làm tăng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu”. 

Mỏ Whitehaven, còn được gọi là Woodhouse Colliery, được lên kế hoạch hoạt động cho đến năm 2049, tức là chỉ trước thời hạn một năm mà Vương quốc Anh đặt ra cho mục tiêu cắt giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0. 

Theo nghiên cứu về khoa học khí hậu mới nhất cho thấy việc đưa mức phát thải về 0 vào giữa thế kỷ là điều cần thiết để giữ nhiệt độ không tăng cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ngưỡng đó, thế giới sẽ phải đối mặt với các tác động của khủng hoảng khí hậu mà có thể mất hàng thiên niên kỷ để khắc phục hậu quả.

Nguồn CNN