Trên thế giới, nhiều chính phủ đang rốt ráo thiết lập các mục tiêu khí hậu mới cho giữa thế kỷ này. Ảnh: TL

 
Hà Cúc Chủ Nhật | 31/01/2021 08:30

Vốn cho tăng trưởng xanh

Nguồn vốn lớn nhất cho tăng trưởng xanh vẫn là quyết tâm của doanh nghiệp và chính phủ.

Trong 10 năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng tốt (khoảng 6,8% giai đoạn 2016-2019), kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước phát triển được đánh giá thuộc hàng cao nhất khu vực. Tuy nhiên, năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm của Chiến lược 10 năm, đã cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội; hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khốc liệt; hậu quả bão lũ miền Trung ngày càng nghiêm trọng về người và của.

Dự thảo Chiến lược 10 năm 2021-2030 đưa ra mục tiêu rất rõ ràng: phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu... Những hậu quả mà chúng ta đang phải gánh chịu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, phát triển xanh, phát triển bền vững là vô cùng quan trọng đối với các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. 

“Việt Nam đang là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần phải có hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nếu không muốn bị ảnh hưởng tới thành quả phát triển của mình”, Tiến sĩ Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, nhấn mạnh.

 

Trên thế giới, nhiều chính phủ đang rốt ráo thiết lập các mục tiêu khí hậu mới cho giữa thế kỷ này. Nhật cam kết rất mạnh mẽ “sẽ loại bỏ tất cả khí gây hiệu ứng nhà kính”. Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố rằng nền kinh tế của họ sẽ không có carbon, nghĩa là sẽ không đưa vào khí quyển nhiều carbon dioxide hơn lượng phát thải. Vào tháng 3.2020, Liên minh châu Âu đã công bố một kế hoạch net zero riêng. Anh và Pháp đã đưa các mục tiêu về giảm khí thải vào luật. Chiến thắng của ông Joe Biden có thể đưa nước Mỹ vào con đường tích cực hơn với khí hậu.

Ngày nay, khoảng 85% năng lượng công nghiệp thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch. Đưa tiêu dùng về gần zero carbon sẽ kéo theo những chuyển dịch kinh tế lớn. Nó đòi hỏi những thay đổi đáng kể về cách năng lượng được tạo ra và sử dụng. Trên thế giới, định giá carbon là một bước thiết yếu, buộc công ty và người tiêu dùng phải chịu chi phí phát thải và từ đó khiến các nhà đầu tư phân bổ vốn hiệu quả hơn. Tin vui là thuế carbon đang lan rộng khắp thế giới và sẽ sớm bao phủ hơn 1/5 lượng khí thải toàn cầu.

Khu vực kinh tế tư nhân vẫn có một vai trò quan trọng. Thị trường đại chúng cung cấp một nguồn vốn khổng lồ cho các công ty, giúp họ mở rộng quy mô nhanh chóng. Nhiều công ty và các quỹ lớn đang chú ý đến các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu. Quá trình chuyển đổi năng lượng sắp tới sẽ là một trong những cơ hội kinh doanh lớn nhất trong những thập niên tới.

Tại Việt Nam, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển và Quan hệ đối ngoại Dragon Capital, cho biết, các quỹ đầu tư của thế giới, với tổng tài sản đang quản lý tương đương hơn 34.000 tỉ USD, đại diện cho gần một nửa số vốn đầu tư toàn cầu. Nhóm này đã yêu cầu các chính phủ thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, đề nghị đưa mức giá có ý nghĩa đối với carbon, cắt bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Vì thế, các công ty trên khắp thế giới hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các bên liên quan. Cũng chính nhu cầu này đang thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam.

 
 

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dự báo, tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỉ USD từ nay tới năm 2030, trong đó 59 tỉ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, 80 tỉ USD đối với các dự án công trình xanh. Tuy nhiên, khó khăn của năng lượng tái tạo cũng là khó khăn chung của các dự án bền vững trong việc tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ. Hiện tại, các nguồn vốn tín dụng trong nước mới đáp ứng được khoảng 1/9 nhu cầu của dự án năng lượng tái tạo.

Về phía Chính phủ, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa tài chính xanh vào Chiến lược phát triển chung của đất nước theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh ít carbon và được thống nhất triển khai từ Trung ương tới địa phương. Trong giai đoạn đầu phát triển thị trường tài chính xanh, Chính phủ cần thực thi các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế. Đồng thời nỗ lực thu hút nguồn vốn xã hội cho việc phát triển xanh thông qua thị trường tài chính xanh.

Ông Peter Bakker, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), cho rằng: “Phát triển bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm hướng đến thực hiện cam kết giảm 8% khí nhà kính vào năm 2030. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt”. Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững có thể tạo ra 230 triệu việc làm ở châu Á vào năm 2030 thông qua những mô hình phát triển bền vững. Những nước đang phát triển, mới nổi như Việt Nam có khoảng 1.100 tỉ USD.

Với nền nông nghiệp lớn, Việt Nam có thể xây dựng mô hình kinh tế sinh học tuần hoàn để mở ra cơ hội thị trường trị giá 7.700 tỉ USD. Đặc biệt, kinh tế sinh học tuần hoàn cũng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và khan hiếm tài nguyên.