Việt Nam trước thách thức CBAM
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đã được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Trước mắt, ngày 31/1/2024, các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV/2023 và nộp báo cáo đầu tiên. Sang giai đoạn chính thức (từ 1/1/2026), doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm chuẩn bị và nộp báo cáo CBAM hàng năm cũng như mua/trả lại chứng chỉ CBAM tương đương với lượng phát thải. Các doanh nghiệp không có nghĩa vụ nộp báo cáo cũng cần sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu cung cấp thông tin từ khách hàng/người khai báo được ủy quyền đối với hàng hóa CBAM.
6 ngành Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ CBAM
Cơ chế CBAM ra đời dự kiến tác động trực tiếp đến 6 ngành công nghiệp Việt Nam, bao gồm: Xi măng, Điện, Sắt & Thép, Nhôm Phân bón, Hydro và cả tác động gián tiếp đến hàng chục ngành khác. Bởi giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất này. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế (2025), Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp”, ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa.
Sang giai đoạn vận hành kể từ năm 2026 sẽ buộc các nhà nhập khẩu thép tại EU mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của Hệ thống Thương mại Khí thải (ETS) của EU, biểu thị bằng EUR/tấn CO thải ra.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số và dịch vụ Chuyển đổi bền vững FPT Digital cho biết “đến năm 2034, EU sẽ không còn hỗ trợ hạn ngạch phát thải, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng thuế trên toàn bộ lượng phát thải carbon. Điều này đặt ra những yêu cầu mà doanh nghiệp cần nắm vững nhằm khai báo CBAM hiệu quả”.
Ông Vương Xuân Hòa, Phó Viện trưởng, Viện Sinh thái và Môi trường, Chuyên gia Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện các hành động nhằm đáp ứng yêu cầu về chính sách và quy định trong tương lai, xem xét những việc cần làm trong ngắn hạn, trung hạn ngay để tránh hối tiếc”.
Ngay bây giờ, Việt Nam đã có những chuyển động chính sách rất mạnh mẽ hướng đến trung hòa carbon. “Việt Nam là một trong những nước ở châu Á đặt tham vọng lớn nhất khi cam kết giảm 43% lượng phát thải ròng (so với năm 2014) vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Vương Xuân Hòa cho biết.
Trong bối cảnh mới này, chỉ 2 năm gần đây. 1.912 doanh nghiệp lớn đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần. Cùng với đó là làn sóng chuyển dịch dòng vốn xanh. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Vinfast, Unilever, P&G, Pepsi… coi ESG là mục tiêu song hành cùng chiến lược kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu xây dựng lộ trình giảm phát thải. Đó là bao gồm việc lựa chọn xây dựng đội ngũ và hoạt động phù hợp để nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, các công ty cũng đưa mục tiêu giảm phát phù hợp vào chiến lược kinh doanh của Doanh nghiệp.
CBAM là gì?
EU có tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050 nhưng EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU cũng như toàn cầu.
Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng CBAM. Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Về cơ chế, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất. Trước đó, năm 2005, EU bắt đầu thực hiện đánh thuế về việc xả thải carbon ra môi trường.
Theo các chuyên gia, những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ CBAM là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ. Riêng Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dự báo, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu CBAM được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.