Nhóm G7 mong muốn thông qua JETP sẽ điều phối các hoạt động hỗ trợ, hợp tác của Nhóm G7 với Việt Nam một cách thống nhất, hiệu quả. Ảnh: T.L

 
00:00
    Cẩm Tú Thứ Tư | 04/01/2023 11:31

    Việt Nam thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

    Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế chính thức thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

    Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (viết tắt là IPG) đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

    Tuyên bố chính trị tiếp tục thể hiện tinh thần hợp tác giữa Việt Nam với và các quốc gia đối tác phát triển do Nhóm các nước Công nghiệp phát triển G7 đứng đầu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch.

     

    Năm 2023, G7 và Việt Nam sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng trên cơ sở nhu cầu của Việt Nam, đảm bảo an sinh xã hội và lợi ích của các đối tượng bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi.

    Các đối tác quốc tế tham gia JETP với Việt Nam bao gồm: Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Thời gian tới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục có thêm các đối tác quốc tế khác.

    Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN-EU diễn ra tại Bỉ mới đây, nhân danh Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã cùng đại diện cấp cao của các nước G7 công bố thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

    Tuyên bố chính trị thiết lập JETP không phải là văn bản có tính ràng buộc pháp lý. Đây là văn bản thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo với sự hỗ trợ của các nước G7 và các đối tác quốc tế khác. Nhóm G7 mong muốn thông qua JETP sẽ điều phối các hoạt động hỗ trợ, hợp tác của Nhóm G7 với Việt Nam một cách thống nhất, hiệu quả.

    IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỉ USD trong vòng 3 - 5 năm tới. Trong đó, 7,7 tỉ USD do IPG huy động từ nguồn tài chính công, với điều kiện hấp dẫn hơn so với nguồn mà Việt Nam có thể huy động trên thị trường. Đồng thời, các đối tác sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,7 tỉ USD tài chính tư nhân.

    Tuyên bố cũng chỉ ra, nguồn tài chính này mới chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu đầu tư của Việt Nam. Thông qua JETP, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện khung pháp lý nhằm mở rộng đầu tư công và tư nhân vào Việt Nam.

    G7 và các đối tác quốc tế lựa chọn Việt Nam (cùng với Nam Phi, Indonesia, Ấn Độ và Senegal) để đàm phán thiết lập JETP dựa trên những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.