Việt Nam muốn ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn. Ảnh: T.L
Việt Nam tăng ứng dụng công nghệ để bảo tồn, phát triển nguồn gen
Tại Việt Nam, để bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bằng những công nghệ truyền thống.
Giai đoạn từ 2025-2030 sẽ định hướng nâng cấp, tích hợp công nghệ phục vụ công tác bảo tồn vật nuôi nhằm lưu giữ chắc chắn nguồn gen quý trong mọi điều kiện bất lợi, nhân nhanh được nguồn gen cho nhu cầu sản xuất, triển khai thành hàng hóa và bảo tồn bền vững. Có thể nói, công tác bảo tồn nguồn gen đã được quan tâm phát triển và có những bước chuyển rõ rệt, đặc biệt một số nguồn gen vật nuôi đã triển khai thành hàng hóa và bảo tồn bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, do thiếu nguồn nhân lực, kinh phí, nhận thức xã hội về việc bảo tồn quỹ gen còn thấp nên công tác bảo tồn chưa đạt hiệu quả cao.
Áp dụng công nghệ cao trong nhân giống phong lan. Ảnh: Kim Thoa |
Trong 5 năm trở lại đây, công tác cấp phát nguồn gen đã có những bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cấp khoảng 1.000 mẫu giống. Các mẫu giống được sử dụng có hiệu quả trong nghiên cứu và khai thác nguồn gen.
Công tác phát triển trực tiếp nguồn gen để đưa vào sản xuất tạo hàng hóa là hướng đi được cả hệ thống quan tâm và triển khai. Thông qua kết quả đánh giá nguồn gen đang được bảo tồn, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã xác định và bình tuyển được nhiều giống cây trồng triển vọng phục vụ sản xuất.
Vườn quốc gia là nơi bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả hàng đầu. Ảnh: T.L |
Thời gian qua, 42 nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép khai thác, phát triển dạng thuần. Việc phát triển, tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn gen vật nuôi bản địa góp phần cung cấp nguyên liệu di truyền phục vụ phát triển ngành chăn nuôi, đưa nhanh ra sản xuất đó là phát huy ưu thế lai giữa các nguồn gen bản địa và nhập nội.
Đến nay, cả nước đã xây dựng được một mạng lưới bảo tồn nguồn gen vật nuôi rộng lớn từ Trung ương đến các địa phương do Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện với mạng lưới là các trường Đại học, Viện nghiên cứu, hiệp hội, các nông hộ và chủ trang trại, gia trại nơi có nguồn gen vật nuôi. Song song với việc hình thành, xây dựng và phát triển mạng lưới, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại đã được nâng cấp cải tạo, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi để lưu giữ nguồn gen vật nuôi một cách ổn định với quy mô hợp lý trên các địa bàn khác nhau trong cả nước.
Một nghệ nhân chuyên bảo tồn nguồn giống lan rừng quý tại Lâm Đồng. Ảnh: Nguyệt Thu |
Bên cạnh đó, Viện Chăn nuôi được Nhà nước đầu tư xây dựng một Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ nghiên cứu, đánh giá di truyền phân tử, lưu giữ các nguyên liệu di truyền của nguồn gen vật nuôi để bảo tồn và lưu giữ nguồn gen tốt hơn và từng bước khai thác phát triển hợp lý giá trị kinh tế các đối tượng nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện phương pháp bảo quản còn đơn giản, số lượng nguồn gen được bảo quản bằng các phương pháp bảo quản dài hạn còn hạn chế. Cơ sở bảo quản và lưu giữ nguồn gen còn chưa đủ hoặc thiếu trang thiết bị chuyên dụng, phục vụ bảo quản dài hạn nguồn gen vi sinh vật như: bình nitơ lỏng, máy đông khô, chưa có phòng riêng bảo quản, lưu giữ nguồn gen vi sinh vật...
Theo báo cáo, công tác đánh giá nguồn gen đã được chú trọng nhưng số lượng nguồn gen được bảo quản, lưu giữ còn ít so với trên thế giới. Công tác phân lập, tuyển chọn nguồn gen vi sinh vật hiện nay đang tập trung theo hướng phục vụ khai thác sử dụng chứ chưa đánh giá được tính đa dạng của nguồn gen theo tính chất đất, loại cây trồng và theo vùng sinh thái...
Giống gà quý Đông Tảo cần được bảo tồn và phát triển. Ảnh: T.L |
Đặc biệt, nguồn gen vi sinh vật được đưa vào khai thác, sử dụng trong sản xuất phân bón, chế phẩm vi sinh vật và phòng trừ dịch hại còn ít, chưa đáp ứng được thực tế sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường Việt Nam.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu nguồn gen bước đầu đã được xây dựng, tuy nhiên chưa xây dựng được mạng lưới nguồn gen trong cả nước tham gia vào mạng lưới nguồn gen nói chung, nguồn gen nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới nên việc giới thiệu, quảng bá, khai thác sử dụng nguồn gen còn hạn chế.