Những năm qua, phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: T.L
Việt Nam sắp có Trung tâm Công nghiệp dược liệu
Tại hội thảo ở tỉnh Quảng Nam mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam có cơ sở để phát triển ngành sâm Ngọc Linh đạt giá trị tỉ USD trong thời gian tới. Theo đó, cần xây dựng "thánh địa" sâm Ngọc Linh ở hai địa phương Quảng Nam và Kon Tum; bảo hộ hiệu quả và phát triển giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, dự kiến ngày 15/10 tới đây, tỉnh Quảng Nam sẽ có đề cương Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam. Đề án tập trung vào việc phải xây dựng được cơ chế để đem lại sức bật cho doanh nghiệp và người dân.
Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, Quảng Nam có rất nhiều cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp dược liệu, đặc biệt với sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, logistics và cảng biển tại Quảng Nam là điều kiện phát triển thuận lợi đối với doanh nghiệp.
Vườn sâm của người dân xã Trà Linh, H.Nam Trà My. Ảnh: Mạnh Cường |
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chủ trương xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đề án còn khá chậm, do đó yêu cầu Quảng Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án.
Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với diện tích 15.567ha. Ngoài ra, đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Các công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh cũng được Quảng Nam rất quan tâm.
Về phía doanh nghiệp, đại điện Công ty Sâm Sâm cho biết, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nhân giống vô tính với năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm, mục tiêu đến năm 2030 đạt năng suất 5 triệu cây giống/năm. Cùng với đó, công ty đã nghiên cứu và chế xuất thành công hơn 10 loại sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh được biết đến là một loài cây dược liệu quý vào loại bậc nhất ở Việt Nam; theo kết quả nghiên cứu khoa học đã phân lập được 52 hợp chất saponin và nhiều hợp chất quan trọng khác. Ngày 5/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia.
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia hợp tác tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân nên việc phát triển sâm Ngọc Linh chuyển biến tích cực.
Tại Quảng Nam, có 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ, hàng ngàn người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Từ khi phát triển trồng sâm đến nay, các hoạt động như Lễ hội sâm Ngọc Linh hàng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng đã đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.