Trang trại điện gió ngoài khơi. Ảnh: COP.

 
Quỳnh Như Thứ Tư | 30/11/2022 16:00

Việt Nam có nhiều tiềm năng để thành "điểm nóng" trong ngành điện gió ngoài khơi

Ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc COP Việt Nam, đánh giá Việt Nam là nơi có tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á trong ngành điện gió ngoài khơi.

Hiện nay, Điện gió ngoài khơi là phương pháp chuyển dịch năng lượng, trở thành xu hướng trong phát triển năng lượng bền vững. 

Mới đây, tại “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh – Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022”, ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP – đơn vị hiện đang quản lý, phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Việt Nam), đã có một số nhận định về tiềm năng, thách thức và tương lai sắp tới của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

 

Theo ông Stuart Livesey, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành điện gió ngoài khơi, đặc biệt là ở phía Nam. Hội tụ nhiều yếu tố như đáy biển nông có cấu trúc bền vững, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng, kích thích chuỗi cung ứng, Việt Nam được đánh giá là một cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo. 

Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió tốt nhất ở Việt Nam, có khả năng khai thác năng lượng gió tốt nhất. “Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm của Châu Á Thái Bình Dương về cả sản xuất và sử dụng tài nguyên gió ngoài khơi, đồng thời tạo ra một chuỗi cung ứng và lực lượng lao động có thể hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực”, ông Stuart Livesey chia sẻ.

Dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có nhiều sức hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường ở đây đáp ứng được các nhu cầu về tài chính cho nhà đầu tư cũng như an ninh năng lượng, đa dạng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu (đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch).

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được kỳ vọng đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Ảnh: dự án do CIP/COP phát triển trên thế giới.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được kỳ vọng đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Ảnh: dự án do CIP/COP phát triển trên thế giới.

Nhắc đến những dự án điện gió ngoài khơi, không thể không kể đến Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi được phát triển sớm nhất tại Việt Nam được đầu tư và phát triển bởi một trong những tập đoàn đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới đến từ Đan Mạch, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và công ty liên kết phát triển dự án Copenhagen Offshore Partners (COP). Dự án có công suất 3,5GW đang được phát triển tại tỉnh Bình Thuận, khi hoàn thành sẽ có thể tạo ra đủ điện cho khoảng 7 triệu hộ gia đình Việt Nam và tăng thêm nhiều việc làm. Tổng chi phí của dự án sẽ vào khoảng 10,5 tỉ USD và hơn 4 tỉ USD sẽ được đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài những tiềm năng, ngành điện gió ngoài khơi cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Bên cạnh sự hiểu biết, thích nghi với điện gió ngoài khơi và sự phối hợp từ trung ương, địa phương thì khung pháp lý, các vấn đề trong mua bán là rào cản lớn đối với nhà đầu tư quốc tế khi muốn bước chân vào thị trường Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm: 

Những vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản