Trên thực tế, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn do Việt Nam mới tham gia vào thị trường này.

 
Cẩm Tú Thứ Bảy | 17/08/2024 17:28

Việt Nam cần hàng trăm ngàn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon ngay trong năm sau và cần đến hàng trăm ngàn nhân sự cho các giai đoạn.

Vừa qua, tọa đàm mang chủ đề “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” được tổ chức nhằm thảo luận về thị trường tín chỉ carbon và sự cần thiết đào tạo nhân lực cho thị trường này.

Ông Đặng Thanh Long, Chuyên gia năng suất xanh của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) chia sẻ và thông tin những điểm cốt lõi về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, CBAM áp mức giá carbon lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Quy định này hướng đến mục tiêu ngăn ngừa “rò rỉ carbon” và duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp EU đang chịu phí carbon theo hệ thống mua bán phát thải (ETS).

 

Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, ông Đặng Thanh Long cho rằng, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải “nhúng” trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp. Việc chủ động thực hiện các biện pháp tuân thủ rất cần thiết.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triền Nông thôn cho biết, mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Do vậy, cần có hoạt động đào tạo để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải...

Trên thực tế, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn do Việt Nam mới tham gia vào thị trường này nên các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc vào quốc tế.

TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty The VOS thông tin, Việt Nam có khoảng 5 tỉ tín chỉ carbon vì lợi thế địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không những có trữ lượng lớn mà còn có thể phát triển organic carbon. Hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng giúp vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Có thể bạn quan tâm:

Phát triển bền vững góc nhìn từ kinh tế học Phật giáo