Trong bối cảnh thế giới chạy đua để giảm khí thải carbon, Afrimat Hemp nhận thấy những viên gạch xanh của mình có cơ hội lớn. Ảnh: BĐRT.

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 16/08/2023 14:42

Vật liệu xây dựng xanh lên ngôi

Đặt mục tiêu tăng lượng tiêu thụ và sản xuất vật liệu xây dựng “xanh”, Việt Nam đang tiếp cận với các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung mới.

Mới đây, Viện Vật liệu Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam cho biết đơn vị này vừa ký biên bản hợp tác với đại diện của 5 doanh nghiệp Hàn Quốc về sản xuất gạch không nung bằng công nghệ sạch, bền vững.

 

Trước đó, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều Quyết định và Nghị định phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, dần thay thế vật liệu xây nung hướng tới giảm lượng phát thải nhà kính CO2, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững.

Theo người trong ngành, để vật liệu xây không nung dần thay thế gạch đất sét nung, Việt Nam cần tiếp cận với các công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung mới trên thế giới.

Ông Đào Thái Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Phát triển Vật liệu Xây dựng cho biết, Việt Nam đang có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 25 tỉ viên/năm. Sản lượng gạch đất sét nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 60-70% tổng công suất thiết kế.

Cùng đó là khoảng 2.500 cơ sở sản xuất gạch không nung có tổng công suất thiết kế đạt khoảng 15 tỉ viên quy tiêu chuẩn/năm; trong đó, gạch bêtông chiếm tỉ trọng khoảng 80% công suất thiết kế, còn lại là gạch bê tông khí chưng áp và gạch bêtông bọt. Sản lượng gạch không nung sản xuất hàng năm ước đạt khoảng 50-60% tổng công suất thiết kế.

Trên thế giới, xu hướng sử dụng vật liệu “xanh” cũng đang ngày càng phổ biến. Tháng trước, Khách sạn Hemp, 12 tầng và tầm nhìn hướng ra núi Bàn hùng vĩ của TP. Cape Town (Nam Phi) được xếp hạng là tòa nhà xây từ cây gai dầu cao nhất thế giới.

Tòa nhà xây từ cây gai dầu cao nhất thế giới. Ảnh: Good News Net Works
Tòa nhà xây từ cây gai dầu cao nhất thế giới. Ảnh: Good News Network

Tường của tòa nhà xây bằng các khối gạch gai dầu kết hợp với cấu trúc bêtông và xi măng. Thời gian qua, gạch gai dầu trở nên phổ biến trong lĩnh vực xây dựng nhờ đặc tính cách nhiệt, chống cháy và thân thiện với môi trường. Đây là loại gạch carbon âm, nghĩa là quá trình sản xuất chúng hút nhiều carbon ra khỏi khí quyển hơn mức thải vào.

"Cây gai dầu hấp thụ carbon, sau đó được đưa vào khối gạch và lưu trữ trong một tòa nhà suốt 50 năm hoặc lâu hơn", ông Boshoff Muller, Giám đốc của Afrimat Hemp, công ty con thuộc tập đoàn xây dựng Nam Phi Afrimat và cũng là đơn vị sản xuất gạch gai dầu cho khách sạn, giải thích. Tại nhà máy gạch ở ngoại ô Cape Town, các sợi gai dầu, nước và vôi được trộn với nhau để tạo ra những khối gạch.

Trong bối cảnh thế giới chạy đua để giảm khí thải carbon, Afrimat Hemp nhận thấy những viên gạch xanh của mình có cơ hội lớn. Công ty này cho biết, lượng khí thải carbon của một ngôi nhà rộng 40 m2 xây bằng gai dầu ít hơn ba tấn so với nhà truyền thống.

Có thể bạn quan tâm:

Trang trại nổi thích ứng với biến đổi khí hậu