Khách du lịch thưởng thức sản phẩm OCOP mật hoa dừa. Ảnh:CAND.

 
Thanh Hương Thứ Sáu | 24/11/2023 09:36

Tương lai mở cho OCOP

Những đặc sản vùng miền, những sản phẩm tốt cho sức khỏe cùng những startup ngành nông nghiệp… đang được “nâng đỡ” từ Phiên chợ OCOP.

Từ sản phẩm làng, xã đến sàn thương mại điện tử 

Một buổi chiều cuối tuần tại một showroom trưng bày sản phẩm, các bạn trẻ dù chưa phải là các “chiến thần” livestrem nhưng hầu hết đều rất vui vì chuẩn bị lên sóng chia sẻ thông tin về các sản phẩm OCOP. Hầu hết sản phẩm chủ yếu là từ các doanh nghiệp nhỏ và hầu hết được mang đến từ nhiều làng, xã và tỉnh khác nhau trên cả nước nhưng đều được thiết kế bao bì rất hiện đại và bắt mắt. Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp trẻ thì các sản phẩm này đều hướng đến thiên nhiên và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Những buổi livestream này đã được các doanh nghiệp trẻ cùng nhau thực hiện được một thời gian khá dài và bắt đầu mang lại hiệu quả. Theo ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki, hầu hết sản phẩm OCOP hiện nay là OCOP 3 sao, mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến, kênh phân phối chưa rộng. Đây là bài toán đặt ra mà chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” giải quyết. 

Để giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị, ông Nhi đề xuất trên sàn của doanh nghiệp, sẽ có những clip kể quá trình hình thành, giá trị và ý nghĩa của sản phẩm OCOP để người tiêu dùng cảm nhận được sản phẩm.

Trước mắt, chương trình sẽ ưu tiên hơn 60 mặt hàng nông sản được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao của TP.HCM và một số địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được phân phối trên sàn thương mại điện tử Tiki, ưu tiên cho các sản phẩm OCOP tiếp cận với 4 triệu khách hàng Tiki. Mỗi tỉnh thành khoảng 50-100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sắc nhất. 

Đến nay, hoạt động bán hàng đã trải dài xuyên suốt 14 tỉnh thành từ Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, TP.HCM đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, nâng tầm quy mô trong giai đoạn tới.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm theo mô hình OCOP. Ảnh: Chinhphu.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm theo mô hình OCOP. Ảnh: Chinhphu.

Tính đến quý IV/2023, đã có hơn 800 phiên lives gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỉ đồng cho ngành hàng OCOP. Tính tổng hiện tại trên cả nước có 7.637 sản phẩm OCOP đã mở gian hàng, bày bán trên 2 sàn thương mại điện tử. Vỏ sò và Postmart. Doanh thu đạt 217,1 tỉ đồng trong 10 tháng.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể từ khi kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai, từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng cần tập huấn cho các chủ thể làm quen với quy trình vận hành trên sàn, đầu tư vào thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm… Tại các địa phương, đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online. Hơn 8,4 triệu người đã được đào tạo, tập huấn thông qua các hoạt động này.

Trong thời gian gần đây, các chương trình phát triển sản phẩm địa phương dần tập trung vào chất lượng thay vì phát triển số lượng như giai đoạn trước. Cụ thể là, các địa phương phối hợp với các sàn để xác định các hộ sản xuất nông nghiệp giỏi, có khả năng và có tiềm năng lên sàn thương mại điện tử, từ đó ưu tiên hỗ trợ trước để tạo ra các kết quả tốt, từ đó tạo tác động lan tỏa.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, chương trình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành công ấn tượng, đáng ghi nhận.

Từ đồng quê ra thế giới

Vì được sinh ra từ làng, xã, vùng miền... nên các sản phẩm của OCOP rất gần gũi với người tiêu dùng. 

Chị Hoàng Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm DBFOOD cho biết, Công ty đã thành công đưa các sản phẩm khá mới lạ ra thị trường như: bột sữa gạo lứt hữu cơ vị mặn, ngọt và không đường; bột sữa gạo lứt trà hoa vàng; trà gạo lứt hữu cơ hoa bách hợp, trà gạo lứt đông trùng hạ thảo.

Với truyền thống, kinh nghiệm trong lĩnh vực Đông y, gia đình anh Quách Tệt chủ hộ kinh doanh Quách Tệt (Thành phố Cà Mau) chú trọng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên giúp mang lại sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người từ các sản phẩm gạo lứt - hạt sen…

Bên cạnh việc bày bán tại cửa hàng, anh Tệt còn giới thiệu và bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Fanpage để sản phẩm được tiêu thụ ngày càng rộng rãi. Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở kinh doanh của anh cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tấn bột, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm như cà pháo, bột rau má, cà phê nông sản đã xuất khẩu sang hàng chục nước trên thế giới. Đến nay, TP.HCM đã có 66 sản phẩm được công nhận đạt OCOP, trong đó có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, sức tiêu thụ trong nước lại không như kỳ vọng. Dự kiến đến cuối năm nay TP.HCM sẽ phấn đấu đạt 170 sản phẩm OCOP.

Riêng huyện Cần Giờ, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, cho biết đang có 18 sản phẩm OCOP, đó là các đặc sản như xoài cát Cần Giờ, tổ yến, khô cá dứa, mật dừa nước… Thông qua Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, kỳ vọng sản phẩm OCOP Cần Giờ sẽ được quảng bá tốt hơn, kênh phân phối thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trong quá trình đầu tư sản phẩm OCOP, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân gặp khó khăn trong nghiên cứu, tiếp cận thị trường, các kênh phân phối. Song song đó, thời gian qua sự kết nối giữa các sàn thương mại điện tử cùng hộ sản xuất, hợp tác xã… chưa bài bản.

Nhờ nhiều chương trình kết nối, sản phẩm OCOP ngày càng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: TTXVN.
Nhờ nhiều chương trình kết nối, sản phẩm OCOP ngày càng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, việc bắt tay hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công thương sẽ giải quyết bài toán cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử. “Ngành nông nghiệp sản xuất cùng sự tư vấn của ngành công thương, chất lượng đảm bảo, bao bì tốt, kỳ vọng sẽ chinh phục được hàng triệu khách hàng”, ông Phương nói.

Mô hình “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” được hình thành đầu tiên tại Nhật từ năm 1979, nhằm phát triển các làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, khuyến khích người dân trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng và bảo tồn các làng nghề truyền thống. Trải qua gần 30 năm, sự thành công của mô hình không chỉ thu hút sự quan tâm của các địa phương trên khắp Nhật mà còn lan tỏa tới các quốc gia trên toàn thế giới. 

Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia (Brunei, Malaysia, Indonesia, Campuchia…) cũng đã triển khai mô hình này và ghi nhận những thành công trong quá trình phát triển nông thôn, đặc biệt là Thái Lan. Năm 2001, Chính phủ Thái Lan đã triển khai áp dụng mô hình OVOP ở cấp xã, nhưng với tên gọi khác là OTOP. Do có nhiều nét tương đồng trong mục tiêu phát triển nông thôn, cùng với kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ Nhật, Thái Lan đã trở thành một trong những nước triển khai thành công mô trình OTOP.

Không chỉ TP.HCM, mà Hà Nội cũng đã tích cực đẩy mạnh mô hình OCOP. Tính đến giữa năm nay, đến nay còn 860 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động trong đó có 320 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân Thành phố công nhận. Trong hơn 2.000 sản phẩm OCOP được Thành phố công nhận có 1.870 sản phẩm OCOP còn hiệu lực gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, số còn lại sản phẩm 4 sao, 3 sao.

Nhờ nhiều chương trình kết nối, sản phẩm OCOP ngày càng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đưa vào hoạt động tháng 5/2023, sàn thương mại điện tử OCOP247.vn và chuỗi cửa hàng đặc sản quê hương OCOP247 (Thành phố Thủ Đức) đã có hơn 300 mã sản phẩm đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đang tiến dần vào hệ thống siêu thị bằng chứng là một số sản phẩm OCOP còn được nhiều siêu thị Giga Market tại Trung tâm thương mại Gigamall (Thành phố Thủ Đức, TP.HCM MM Mega Market… trưng bày.