Tính đến hiện tại, nhóm Sài Gòn Xanh đã đi qua hơn 150 kênh rạch và bãi biển trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, thu gom hơn 2.000 tấn rác thải. Ảnh: TL.

 
Phước Sanh Chủ Nhật | 07/07/2024 07:30

Tuổi trẻ làm xanh sống đẹp

Hành động cụ thể của thanh niên góp phần giải quyết các thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

“Người trẻ làm được gì?” là câu hỏi của Lê Văn Phúc (sinh năm 2002, sinh viên ngành địa lý dân số xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), trăn trở trong quá trình hoạt động xã hội. Với mong muốn tạo môi trường cho các bạn trẻ, đặc biệt độ tuổi học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp, Phúc quyết định thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky vào ngày 2/9/2018, khi đó Phúc mới 16 tuổi.

Từ suy nghĩ…

“Mình quyết định thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky trong một ngày nghỉ lễ để tranh thủ bắt tay thực hiện chương trình đầu tiên”, Trưởng nhóm Fly To Sky chia sẻ. Giai đoạn đầu khi chưa thể có niềm tin và kinh phí, nhóm đã tổ chức những hoạt động gây quỹ nhỏ như tổ chức hát du ca ở quảng trường, bán bao lì xì nhân dịp Tết, vận động từ gia đình, người thân, bạn bè... May mắn trong hành trình này Fly To Sky đã triển khai thành công nhiều hoạt động, dù không lớn nhưng đã khích lệ và chứng minh các bạn trẻ có thể chung tay trong nhiều vấn đề của xã hội.

Cũng với suy nghĩ như vậy, nhóm chuyên thu dọn rác tại các con kênh trên địa bàn TP.HCM đang thu hút được sự chú ý của xã hội. Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi), Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh, kể lại những ngày đầu trước khi thành lập nhóm, anh vô tình xem được một video của nhóm Pandawara ở Indonesia ngụp lặn vớt rác ở những dòng kênh đen hôi hám. Hành động này đã làm cho anh rất ấn tượng và ngưỡng mộ. Vì vậy, anh đã cùng một người bạn tên Hồ Văn Vĩ (24 tuổi) quyết định làm việc này mong muốn góp phần mang màu xanh cho những con kênh của thành phố.

 

Bước đầu rất khó khăn, bởi vì đây là lần đầu thực hiện công việc này, những bạn trẻ phải học cách phòng ngừa rủi ro từ kim tiêm, mảnh sành, hóa chất độc hại... “Không dễ dàng gì khi phải đối mặt với đống rác thải với mùi hôi thối cực kỳ khó chịu. Nhiều bạn do chưa quen làm việc trong môi trường nước nồng nặc mùi hôi khiến cơ thể đau nhức, ngứa ngáy, ốm sốt. Chúng tôi cũng động viên nhau làm vì sức khỏe cộng đồng nhưng không quên nhắc nhau phải bảo hộ an toàn”, anh Ngọc chia sẻ.

Hành động của 2 anh đã lan truyền và dần thu hút tình nguyện viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, nhóm đã tổ chức hơn 150 buổi hoạt động. Đã có gần 1.500 tình nguyện viên tham gia, hầu hết là các bạn sinh viên đến từ khắp đất nước, chiếm hơn 80%.

Thủ lĩnh nhóm Sài Gòn Xanh chia sẻ: “Bản thân trước kia cũng là một con người ít quan tâm đến những vấn đề môi trường. Nhưng lúc này, tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần thay đổi môi trường xanh hơn và thay đổi được cả chính mình”.

…đến hành động

Quyết định bước chân vào hành trình phụng sự cộng đồng thì niềm tin rất quan trọng. Với những người trẻ còn “non nớt” thì chứng minh niềm tin này là một hành trình đầy thử thách. Những năm qua Phúc và Fly To Sky đã và đang nỗ lực để chứng minh cho cộng đồng thấy tuổi tác không phải là rào cản của người trẻ và người trẻ làm được. Đến nay, Fly To Sky phát triển với khoảng 200 thành viên, hơn 6.700 tình nguyện viên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Mặc dù với đội ngũ toàn học sinh, sinh viên nhưng trong suốt hơn nửa thập kỷ, nhóm từ thiện Fly To Sky đã và đang thực hiện hơn 27 dự án cộng đồng, hơn 180 chương trình... tại Gia Lai và 25 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng.

Năm 2024, với sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như Coway, Thaco, Hyundai, Lifebuoy..., Fly To Sky có các dự án về giáo dục như “Tủ sách Bồ câu trắng”, hỗ trợ học bổng “Cánh chim xanh”... Về bảo vệ môi trường, nhóm nhấn mạnh vào việc hành động mỗi ngày để việc giữ gìn không gian sống trở thành thói quen của người trẻ qua các chương trình “Tết chuyền tay”, “Đổi sách lấy cây”, đổi sách lấy các sản phẩm thân thiện với môi trường...

 

Trong khi đó, tính đến hiện tại, nhóm Sài Gòn Xanh đã đi qua hơn 150 kênh rạch và bãi biển trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, thu gom hơn 2.000 tấn rác thải. “Các bạn trẻ tham gia nhóm với một tinh thần và nhiệt huyết bảo vệ môi trường rất cao. Họ thực sự mong muốn góp phần giải được nạn ô nhiễm kênh rạch vốn là vấn đề môi trường vô cùng nhức nhối tại TP.HCM. Hầu hết các dòng kênh rạch đều bị bức tử bởi nước thải và rác thải”, anh Ngọc nhận xét.

Động lực để nhóm tiếp tục hành trình góp phần thay áo mới cho TP.HCM đó là khi trước mắt là một dòng kênh đầy rác chỉ vài tiếng sau,  dòng kênh đó đã trở nên sạch sẽ hơn vì không còn rác bẩn nữa. Từ vài ngàn lượt tương tác những ngày đầu, hiện tại mỗi video đăng tải về nhóm đã thu hút cả triệu lượt xem và lượt yêu thích. Có những video thu hút đến 99,3 triệu lượt xem và có hơn 3 triệu lượt thích. Những con số này cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về một tinh thần sống xanh của giới trẻ. “Tôi không còn sợ mùi hôi thối, không sợ nguy hiểm dưới dòng kênh đen ngòm nữa rồi. Tôi thấy rất vui khi nhiều chương trình có lượng người đăng ký tham gia đông đảo, cho thấy công việc của chúng tôi có tác động tích cực đến cộng đồng”, Tuyết Nhi (20 tuổi) nói.

Trong tương lai nhóm sẽ tiến sâu đến phần gốc. Đó chính là thay đổi được ý thức bảo vệ môi trường của mọi người thông qua những buổi talkshow, tuyên truyền về hoạt động của nhóm. Đồng thời, nhóm cũng sẽ thực hiện và cải tiến các dự án nhằm bảo vệ môi trường như phao chắn rác, các dự án xanh như túi tái sử dụng, thuyền tái chế... “Mình chỉ cần mọi người hành động từ những việc nhỏ nhất. Chẳng hạn như không vứt rác bừa bãi, ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường...”, anh Ngọc nói.

Còn Trưởng nhóm Fly To Sky cho rằng hoạt động xã hội là hành trang giúp truyền lửa để việc tham gia thiện nguyện trở thành thói quen của người trẻ, chứ không dừng lại ở hoạt động tự phát. “Tôi muốn Fly To Sky phát triển bền vững. Tôi tâm niệm rằng việc cho đi phải tạo ra giá trị lâu dài”, anh nói.

Có thể bạn quan tâm

Nội khử bền vững, ngoại bù giả xanh