Giai đoạn đóng gói tại nhà máy Imexpharm.
Từ nhà máy dược EU GMP đến tầm nhìn ra biển lớn
Vào những năm đầu của thập niên 80, Việt Nam trải quả cuộc khủng khoảng kinh tế lần thứ nhất bắt nguồn từ rất nhiều khó khăn.
Đây là thời kỳ khó chồng khó của ngành dược nhưng cũng là nơi khởi đầu của những doanh nghiệp vươn mình lớn lên như CTCP Dược phẩm Imexpharm. Một công ty với tiền thân là Xí nghiệp liên hiệp Dược Đồng Tháp có vai trò chính là giao thuốc cho 2 bệnh viện tuyến tỉnh và các Công ty Dược cấp III.
Từ viên thuốc Amoxicillin
Mặc dù nỗ lực rất lớn song thời cuộc lúc này có sự biến đổi, buộc nhiều công ty, xí nghiệp dược đóng cửa. Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, tập thể đội ngũ Imexpharm lúc đó kiên trì duy trì sản xuất, đồng thời tìm cách chủ động về đầu ra.
Và giai thoại “Sự ra đời của những viên Amoxicillin đầu tiên” cũng bắt nguồn từ giai đoạn đầy biến động này. Khi đó, ở Việt Nam, các xí nghiệp vẫn chưa tự sản xuất Amoxicillin, một kháng sinh thuộc nhóm penicillin được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Mỗi khi nhắc đến Amoxicillin, trong nước sẽ nghĩ ngay đến việc nhập hàng của Pháp. Với mong muốn tìm con đường khác biệt, Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, lúc đó là cô dược sĩ trẻ đầy nhiệt huyết đã mạnh dạn nghĩ đến chuyện nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất Amoxicillin.
Cô tự mình lên các chợ sỉ ở TP.HCM quan sát, học cách giao thương để tìm đầu ra. Mọi thứ gần như được bắt đầu từ con số không nhưng đi kèm với đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của biết bao người. Sau khi tìm hiểu chắn chắn, cô quyết định nhập một kilogram nguyên liệu sản xuất lô Amoxcillin đầu tiên và tự thử nghiệm lâm sàng thành công. Từ đây, nhờ sự quyết tâm không bỏ cuộc của cô dược sĩ trẻ mà Imexpharm có thể sản xuất được Amoxicillin vào lúc bấy giờ.
Nhân viên làm việc tại nhà máy Imexpharm |
Năm 1994, biến cố lớn đã xảy ra với Imexpharm, đó là sự cố cháy nhà máy. Với tình hình kinh tế, trong giai đoạn đổi mới, đây thực sự là cú sốc lớn đối với một doanh nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, nhờ bản lĩnh kiên cường của vị thuyền trưởng, sự đoàn kết của tất cả cán bộ nhân viên, cùng với sự giúp đỡ từ chính quyền, đối tác mà Imexpharm đã vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, cô Đào xúc động chia sẻ: “Là những người chứng kiến biết bao thăng trầm và biến cố, chúng tôi tự hào khi Imexpharm dù trong bối cảnh nào, vẫn luôn sẵn sàng thử nghiệm và khám phá những lĩnh vực mới, vượt qua những giới hạn hầu như chưa có tiền lệ trước đó”.
Năm 1997 Imexpharm có bước chuyển mình quan trọng khi đầu tư nhà máy Nonbetalactam uống đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN với sự hỗ trợ tư vấn của Tiến sĩ Hartmut Haulth, Chuyên gia hàng đầu châu Âu về hệ thống quản lý chất lượng và công nghệ đến từ tập đoàn Biochemie Áo (Sandoz hiện nay). Năm 1999 - 2000 Công ty tiếp tục xây dựng nhà máy Betalactam uống đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN và xúc tiến hợp tác sản xuất nhượng quyền thành công với tập đoàn đa quốc gia Biochemie.
…Đến sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP bậc nhất Việt Nam
Tiếp theo là giai đoạn phát triển từ năm 2001 đến nay, được đánh dấu bằng quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp, trở thành công ty đại chúng, tạo nên những bước phát triển vượt bậc cho Imexpharm.
Giữa lúc các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn trong giai đoạn 2001-2006, Imexpharm đã vươn mình, trở thành một trong những Công ty Dược đầu tiên trong Tổng công ty cổ phần hóa và thành công tăng vốn điều lệ, tạo thặng dư lên 100 tỉ đồng vào năm 2006. Cũng vào 2006, Imexpharm chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCMvới mã IMP.
Imexpharm tiếp tục đầu tư vào công nghệ và con người |
Không dừng lại là đơn vị tiên phong sở hữu nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN, trong giai đoạn 2007-2011, Công ty dồn mọi nguồn lực, ưu tiên đưa tiêu chuẩn châu âu thâm nhập vào Việt Nam. Cột mốc đánh dấu cho chiến lược này là vận hành nhà máy Cephalosporin theo công nghệ châu âu tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 113 tỉ đồng. Đồng thời, Công ty xây dựng nhà máy Penicillin sản xuất thuốc tiêm 50 tỉ đồng. Tiếp nối thành công, Imexpharm đầu tư vào cụm nhà máy Công nghệ cao Betalactam Bình Dương (IMP3) và trở thành một trong số ít Công ty dược đầu tiên có cùng lúc 3 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP. Nổi bật giai đoạn này là việc Imexpharm không vay ngân hàng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam lúc đó nhiều biến động.
Trong 2017-2023, đây được xác định là giai đoạn tăng tốc của Imexpharm khi nhà máy công nghệ cao IMP4 đi vào hoạt động và chính thức được công nhận đạt chuẩn EU-GMP, nâng tổng số dây chuyền đạt EU-GMP lên 11 và nhiều bậc nhất Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp khoản vay 8 triệu USD cho Imexpharm, để nâng cấp các nhà máy lên tiêu chuẩn EU-GMP, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ đáng tin cậy của Công ty.
Chia sẻ về cột mốc đáng nhớ này, Thầy thuốc Nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào cho biết: “46 năm qua, Imexpharm đã tận dụng mọi cơ hội đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Bằng việc tiên phong xây dựng các nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nhanh chóng đa dạng hóa danh mục sản phẩm…, Imexpharm đã hiện thực hóa các cam kết với nhà đầu tư, đối tác, nhân viên, khách hàng và cộng đồng, để ghi dấu biểu tượng búp sen xanh trên bản đồ ngành Dược trong và ngoài nước”.
Đơm hoa kết trái và tầm nhìn vững chắc cho tương lai
Có thể nói năm 2023 là “đơm hoa kết trái” của Imexpharm cho sự nỗ lực đầu tư bài bản vào chất lượng suốt thời gian dài. Công ty đã lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng kinh doanh vớidoanh thu đạt 2.113 tỉ đồng, tăng 26% so với mức tăng chung của toàn ngành là 8%. Hiện Imexpharm tiếp tục là đơn vị sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP bậc nhất Việt Nam với 3 cụm nhà máy, 11 dây chuyền sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Nhung, Phó TGĐ khối Chất Lượng đại diện Imexpharm nhận giải thưởng Ngôi Sao Thuốc Việt |
“Tôi rất vui mừng khi mới đây Imexpharm vinh dự nhận giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt lần thứ 2 từ Bộ Y Tế và Cục quản lý Dược. Giải thưởng khẳng định vị thế hàng đầu của Imexpharm trong chất lượng sản phẩm và vai trò của Imexpharm trong việc cung ứng thuốc tốt, hiệu quả, giá hợp lý đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và điều trị của người dân cùng các cơ sở y tế trong nước”, cô Đào xúc động chia sẻ.
Trong bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức và mô hình bệnh tật thay đổi, kháng sinh vẫn đang là dòng sản phẩm chủ đạo trên thị trường dược phẩm, chiếm 12% tổng giá trị thị trường, và dự kiến tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng 9,2% cho đến năm 2027 (theo báo cáo của IQVIA). Điều này khuyến khích Imexpharm không ngừng khai thác tối đa các sản phẩm kháng sinh được sản xuất tại các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP.
Bên cạnh đó, các thách thức sức khỏe hiện nay như ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm và áp lực công việc đang thúc đẩy nhu cầu đối với các nhóm thuốc điều trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch và tiểu đường. Các nhóm sản phẩm này sẽ tăng trưởng hàng năm khoảng 11,6% - 13,2% đến năm 2027. Với tầm nhìn này, Imexpharm đang lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm Non-Antibiotic, và dự kiến xây dựng nhà máy IMP5 mới tại Đồng Tháp.
Dòng sản phẩm mới này bao gồm các thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, Tai-Mũi-Họng, thuốc ho và tiêu hóa, phục vụ thị trường trong nước và hướng đến cơ hội xuất khẩu. Nhà máy dự kiến xây dựng vào quý 2/2024 và hoàn thành vào 2026-2027. Những chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho tầm nhìn đến năm 2030 của công ty, với kỳ vọng doanh thu đạt mốc nửa tỉ USD, là bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường toàn cầu và đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp điều trị chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực.