Hình ảnh sông Dương Tử bị ô nhiễm. Ảnh: TL.
Trung Quốc từ chối tăng cường "cứu hành tinh" dù là nước đang gây ô nhiễm nhất thế giới
Theo thông tin từ Bloomberg, COP26 diễn ra với hy vọng thế giới sẽ tìm được tiếng nói chung nhằm giảm ô nhiễm cũng như hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Các nền kinh tế gây ô nhiễm lớn nhất thế giới được chú ý, nhất là khi họ sẽ vạch ra cam kết của chính mình về chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ cho biết, nước này hướng tới mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2070. Chiếm 17% dân số toàn cầu và 5% tổng lượng khi thải carbon, Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ (số 2) và Trung Quốc (số 1).
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, không đưa ra tuyên bố chính thức cho mục tiêu giảm khí thải carbon của mình. Ngày 1/11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới tham dự COP 26, đã ra thông báo kêu gọi các nước "hành động mạnh mẽ hơn" với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 của Trung Quốc trước đây cũng cách rất xa mốc 2050 mà thế giới đang hướng tới. Ảnh: TL. |
"Tôi hy vọng các bên sẽ có những động thái mạnh mẽ để cùng nhau giải quyết thách thức khí hậu và bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình trong tuyên bố chính thức.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi các nước phát triển giúp đỡ các nước đang phát triển trong mục tiêu giảm phát thải. Tuy nhiên, những người theo dõi sự kiện cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đưa ra bất cứ lời cam kết mới nào về mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 của Trung Quốc trước đây cũng cách rất xa mốc 2050 mà thế giới đang hướng tới.
Tuyên bố của ông Tập được phát đi sau những chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp G-20 hôm cuối tuần trước. Trong cuộc họp báo, ông Biden đã chỉ trích Nga và Trung Quốc, cáo buộc hai quốc gia này "về cơ bản không thể hiện bất cứ cam kết nào nhằm đối phó với biến đổi khí hậu".
Hôm 1/11, Nhà Trắng cũng kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. "Họ là một nước lớn, có nhiều nguồn lực và khả năng. Họ hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt trách nhiệm của mình và họ phải làm như vậy", ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết.
Nguồn nước của Trung Quốc bị ô nhiễm. Ảnh: TL. |
Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, nhiều hơn tổng lượng phát thải của Mỹ và các nước phát triển. Ông Tập trước đây từng tuyên bố Trung Quốc sẽ "kiểm soát chặt chẽ các dự án nhiệt điện" nhưng Trung Quốc đang tăng cường xây dựng thêm các nhà máy điện than. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đang bị chỉ trích vì tài trợ cho các dự án điện than ở nước ngoài với số tiền lên tới 35 tỉ USD kể từ năm 2015. Ở thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc có thể làm tăng đáng kể lượng nhập khẩu than của nước này trong ngắn hạn.
Hiện Trung Quốc vẫn nêu ra những việc họ sẽ làm để giảm phát thải. Theo đó, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khẳng định "kiềm chế sự bùng nổ phi lý của các dự án sử dụng nhiều năng lượng và phát thải cao".
Ngoài ra, Trung Quốc cũng công bố sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể với các lĩnh vực phát thải nhiều như than, năng lượng, xây dựng và giao thông nhưng không có thời gian biểu cụ thể.