Nhưng để Trung Quốc tách hoàn toàn tăng trưởng kinh tế khỏi lượng khí thải, nước này có lẽ sẽ phải trải qua những thay đổi căn bản hơn nữa. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Ba | 04/06/2024 17:03

Trung Quốc đã đạt đỉnh phát thải hay chưa?

Trung Quốc có thể tiếp tục làm cho tăng trưởng kinh tế của mình bớt ô nhiễm hơn bằng cách triển khai nhiều công nghệ xanh hơn.

Vào cuối năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã bãi bỏ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với COVID-19. Điều đó tốt cho nền kinh tế khi các nhà máy bắt đầu sôi động trở lại và nhiều ô tô lăn bánh đường phố. Thế nhưng, cũng chính vì những lý do tương tự, khí hậu lại bị tác động tiêu cực. Năm 2023, lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc đã tăng 4,7%, lên mức kỷ lục 12,6 tỉ tấn. Trung Quốc chiếm hơn 1/3 lượng khí thải của thế giới vào năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện nay lượng khí thải của Trung Quốc đang giảm. Theo một phân tích được công bố bởi Carbon Brief, một trang web tin tức chuyên ngành, vào tháng 3, khí thải của quốc gia này đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên sau 14 tháng. Dữ liệu sơ bộ cho thấy lượng khí thải của Trung Quốc có thể cũng giảm trong tháng 4. Vẫn còn quá sớm để nói lên được bức tranh tổng thể, nhưng nếu xu hướng này tiếp tục, lượng khí thải của quốc gia có thể không bao giờ tăng trở lại mức như năm 2023. Nói cách khác, phát thải của Trung Quốc đã đạt đỉnh.

 

Nhưng dữ liệu cũng gợi ý một diễn biến đầy hứa hẹn khác: mối quan hệ trực tiếp giữa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và lượng khí thải của nước này có thể đang bị nới lỏng. Trước đây, lượng khí thải thấp hơn thường là kết quả của tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, năm nay, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã tăng lên khi lượng khí thải giảm xuống.

Một lý do để lạc quan là lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã trở thành một phần kém quan trọng hơn trong nền kinh tế. Giá nhà mới đã giảm 11 tháng liên tiếp và có một lượng lớn hàng tồn kho chưa bán được. Vì vậy, các công ty phát triển BĐS đang xây dựng ít hơn, giảm nhu cầu về vật liệu sử dụng nhiều carbon. Tháng 3, sản lượng xi măng giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi sản lượng thép giảm 8%.

Trong khi đó, các loại hoạt động kinh tế khác ngày càng được hỗ trợ bởi điện sạch. Năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt gần 300 gigawatt (GW) công suất gió và mặt trời, để so sánh, tổng công suất điện của Anh chưa đến 100 GW. Điều này cho phép sản xuất nhiều hơn với lượng khí thải ít hơn. Công nhân Trung Quốc cũng đang đi du lịch theo những cách xanh hơn. Quốc gia này chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu vào năm ngoái.

Trung Quốc có thể tiếp tục làm cho tăng trưởng kinh tế của mình bớt ô nhiễm hơn bằng cách triển khai nhiều công nghệ xanh hơn. Hơn một nửa năng lượng của nước này vẫn đến từ việc đốt than. Theo một kịch bản “lạc quan” do Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc đưa ra, quốc gia này sẽ bổ sung thêm 280 GW năng lượng mặt trời vào lưới điện mỗi năm cho đến năm 2030. Công suất điện gió mới sẽ tăng thêm 50-60 GW mỗi năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng để Trung Quốc tách hoàn toàn tăng trưởng kinh tế khỏi lượng khí thải, nước này có lẽ sẽ phải trải qua những thay đổi căn bản hơn nữa. Hãy lấy nền kinh tế Anh làm ví dụ, ngày nay lớn hơn 80% so với năm 1990, nhưng lại thải ra lượng carbon dioxide chỉ bằng một nửa. Các nguồn năng lượng sạch hơn chắc chắn đã giúp ích. Nhưng nước Anh hiện nay cũng sử dụng ít điện hơn nhiều. Đó là kết quả của sự chuyển dịch kinh tế từ sản xuất ngốn nhiều năng lượng sang dịch vụ và tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm:

 Thế giới thải 2.000 xe tải nhựa xuống biển mỗi ngày

Nguồn The Economist