Trung Quốc không chỉ cung cấp công nghệ xanh mà còn thúc đẩy nhu cầu sử dụng. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Hai | 18/11/2024 19:08

Trung Quốc chi đậm cho năng lượng xanh toàn cầu

Trung Quốc dẫn đầu đầu tư vào năng lượng sạch, vượt Mỹ và châu Âu, nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu công nghệ xanh trên toàn cầu.

Quốc gia nào nên chi nhiều hơn để cứu hành tinh? Đó là câu hỏi mà các nhà ngoại giao và hoạt động môi trường tranh luận tại COP29, hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc, diễn ra từ 11 đến 22/11 tại Azerbaijan. Theo nhiều ý kiến, Trung Quốc cần tăng đóng góp, nhất là khi phương Tây chỉ trích quốc gia này chưa hỗ trợ đủ cho các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu. Trong gần hai thập kỷ, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là nước phát thải CO2 nhiều nhất toàn cầu.

Quan chức Trung Quốc cho rằng nước này vẫn đang phát triển và chịu trách nhiệm ít hơn về lượng phát thải lịch sử so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, lập luận mạnh nhất của Trung Quốc là nước này đang chi nhiều nhất cho chuyển đổi năng lượng xanh. Trung Quốc hiện đóng vai trò động lực thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào công nghệ năng lượng sạch, giúp các công nghệ này phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua.

Tiền đầu tư từ Trung Quốc chi phối toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Từ 2018-2023, tổng đầu tư toàn cầu vào các cơ sở chế biến nguyên liệu cho công nghệ xanh như tuabin gió và xe điện đạt 378 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm gần 90%, theo BloombergNEF. Dù châu Âu và Mỹ đã tăng chi tiêu, Trung Quốc vẫn chiếm hơn 75% tổng đầu tư này vào năm 2024.

Nhờ vào những khoản đầu tư khổng lồ, Trung Quốc sản xuất nhiều thiết bị năng lượng sạch hơn bất kỳ quốc gia nào. Các công ty Trung Quốc sản xuất đủ pin lithium-ion để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, chiếm đến 80% sản lượng pin mặt trời của thế giới và có thể tăng gấp đôi tốc độ sản xuất. Lợi thế quy mô cùng cạnh tranh khốc liệt giúp họ giảm đáng kể chi phí.

Trung Quốc không chỉ cung cấp công nghệ mà còn thúc đẩy nhu cầu sử dụng. Dù hơn một nửa điện năng của Trung Quốc vẫn từ than, chỉ trong năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kết nối 300 gigawatt điện gió và mặt trời vào lưới điện, chiếm gần hai phần ba công suất mới toàn cầu. Tháng 6 năm nay, trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới khánh thành ở Tân Cương, bao phủ khu vực sa mạc gấp đôi Manhattan. Trung Quốc cũng xây nhiều nhà máy điện hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào. Năm ngoái, chi tiêu toàn cầu cho triển khai công nghệ năng lượng sạch đạt 1,8 nghìn tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 38%.

Trung Quốc có hai lợi thế lớn cho đầu tư quy mô lớn: tỉ lệ tiết kiệm cao và chính phủ dễ dàng chỉ đạo đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, chính phủ nước này đã mạnh tay đầu tư vào bất động sản, hạ tầng và đường sắt, và hiện ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch.

Nhiều chính sách của Trung Quốc tương tự các quốc gia khác. Giống như Đức và Nhật Bản, Trung Quốc khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo bằng mức giá ưu đãi cho điện ("feed-in tariff") và thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới cho trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, Trung Quốc có những hỗ trợ khác biệt. Các "quỹ định hướng của chính phủ" đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân để phát triển công nghệ, các ngân hàng nhà nước cho vay ưu đãi, và chính quyền địa phương cung cấp đất giá rẻ, giảm thuế. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết từ 2009 đến 2023, ngành xe điện Trung Quốc nhận tổng trợ cấp 231 tỉ USD.

Dù vậy, đầu tư dư thừa cũng là vấn đề lớn khi các địa phương cạnh tranh tạo "nhà vô địch" của ngành. Sự dư thừa công suất khiến ngành năng lượng sạch Trung Quốc đối mặt thách thức hợp nhất, kéo theo các làn sóng tái cơ cấu và gánh nặng nợ nần gia tăng.

Xuất khẩu công nghệ xanh của Trung Quốc cũng gặp phản ứng gay gắt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), với cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm giá rẻ gây khó cho các doanh nghiệp nội địa. Hai khối này đã áp thuế cao lên nhiều sản phẩm, như xe điện từ Trung Quốc, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử đang đe dọa một cuộc chiến thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi năng lượng sạch là "lực lượng sản xuất mới", ám chỉ những ngành công nghiệp tương lai mà Trung Quốc muốn thống trị trên trường quốc tế. “Thành công của ngành năng lượng xanh Trung Quốc hiện gắn liền với ông Tập”, bà Ilaria Mazzocco, Chủ tịch ủy thác về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc CSIS, nhận định, đồng thời cho biết điều này biến năng lượng xanh thành ngành công nghiệp ưu tiên hàng đầu, bất kể những khó khăn hiện tại.

Có thể bạn quan tâm:

Khai thác vàng từ rác thải điện tử

Nguồn The Economist