Hàng triệu cánh bướm bay rợp trời tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Báo Ninh Bình
Vườn quốc gia Cúc Phương lần 5 liên tiếp được vinh danh là vườn quốc gia hàng đầu châu Á
Sự vinh danh này là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tại Cúc Phương.
Vườn quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Đến thời điểm hiện tại, Vườn đã điều tra, thống kê thêm được 8 loài động vật có xương sống, nâng tổng số loài đã được nhận biết từ 661 (năm 2015) loài lên 669 loài (năm 2020). Bên cạnh việc điều tra, thống kê, thu thập mẫu, số liệu ngoài thực địa Vườn đã xây dựng Bảo tàng Cúc phương và sưu tập nguồn mẫu vật lưu trữ trong bảo tàng. Hiện nay Bảo tàng Cúc Phương là bảo tàng duy nhất trong các Vườn quốc gia nằm trong mạng lưới bảo tàng khoa học của ngành Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, Cúc Phương còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử đến nay. Ở Cúc Phương, các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô. Trong đó có thể kể đến như: Động Người Xưa, Hang Con Moong…những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7.000 - 12.000 năm, đã trở thành những điểm tham quan quen thuộc của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, di tích khảo cổ học Hang Con Moong (con thú) thuộc Vườn, nằm trên địa giới hành chính huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá có giá trị đặc biệt, nổi bật, đang được các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ để Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế Giới.
Với phương châm là bảo vệ rừng tận gốc, công tác tuần tra, kiểm soát được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Kiểm lâm tại đây. Vườn là đơn vị đầu tiên trong các Vườn quốc gia thực hiện Chương trình giám sát đa dạng sinh học sử dụng phần mềm SMART trong quản lý bảo vệ rừng.
Hiện Vườn vẫn đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, gồm: Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; Bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê; Bảo tồn các loài Rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (hươu, nai, các loài trong họ Trĩ, các loài Khỉ …).