Toàn cảnh Hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống Sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam”

 
Trịnh Tuấn Thứ Sáu | 29/09/2023 11:18

Giải pháp tăng cường chiến lược phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 81.808 ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2023.

Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Takeda Pharmaceuticals (Asia Pacific) Pte. Ltd. (Takeda) tổ chức Hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống Sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam”. Sự kiện do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì đã thu hút sự tham dự của hơn 100 chuyên gia y tế đến từ Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, các bệnh viện và trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10. Kể từ sau đại dịch, Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp và liên tục của các dịch bệnh, gây áp lực ngày càng lớn lên cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 81.808 ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2023, với 23 trường hợp tử vong.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về các sáng kiến và phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi để tìm ra những biện pháp can thiệp mới có thể tăng cường quản lý việc lây truyền sốt xuất huyết.

Sự kiện còn có phiên thảo luận bàn tròn tập trung đi sâu vào tình hình sốt xuất huyết hiện nay ở Việt Nam do Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, với sự tham dự của các diễn giả, trong đó có Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng I, và Bác sĩ Joseph Santangelo - Takeda.

Thạc sĩ - Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, nhận định: "Sốt xuất huyết khác biệt hoàn toàn so với các bệnh truyền nhiễm khác, đe dọa toàn bộ dân số. Bên cạnh các biện pháp đang thực hiện đòi hỏi sự tích cực hơn nữa trước điều kiện môi trường ngày càng phức tạp, chúng ta cần kết hợp học hỏi từ các mô hình kiểm soát dịch sử dụng các phương pháp tiến bộ của khoa học tại các quốc gia có điều kiện khí hậu và dịch bệnh tương tự với Việt Nam, như Indonesia và Thái Lan”.

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10. Ảnh: Vietnamplus.
Hàng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10. Ảnh: Vietnamplus.

Takeda nhận thấy tầm quan trọng trong việc hợp tác với các đối tác địa phương để tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. “Do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, dịch sốt xuất huyết bùng phát phức tạp ở Việt Nam đang khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc dự đoán và lên kế hoạch cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, thông qua hội thảo này, các chuyên gia y tế đã có dịp ngồi lại và thảo luận nhằm xác định các chiến lược quản lý tối ưu nhất, trong đó có thêm công cụ mới như một phần của chương trình phòng ngừa và quản lý sốt xuất huyết toàn diện", bà Katharina Geppert, Giám đốc Quốc gia của Takeda tại Việt Nam, chia sẻ.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã cùng nhau chỉ ra sự cần thiết phải có một giải pháp bền vững và lâu dài để phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi không chỉ các biện pháp lâm sàng và phòng ngừa mà còn cả những nỗ lực và hợp tác công - tư trong việc chống dịch sốt xuất huyết, một vấn đề sức khỏe cộng đồng đang diễn ra trên toàn cầu. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật.

Có thể bạn quan tâm:

ESG là một hành trình bền vững