GE thúc đẩy điện khí cho mục tiêu năng lượng sạch của Việt Nam
Với cam kết trung hoà carbon vào năm 2050, Việt Nam đặt quyết tâm cao bằng việc dừng phát triển các dự án than mới và giảm lệ thuộc vào điện than. Khí đốt đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch này bởi đây là một trong những nhiên liệu thay thế không tái tạo, thân thiện với môi trường nhất đồng thời cũng là sự lựa chọn phù hợp cho đến khi cơ sở hạ tầng, công nghệ và các cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo được xây dựng đầy đủ. Bên cạnh đó, khí đốt có thể vẫn sẽ là nguồn nhiên liệu bổ sung lâu dài trong tương lai. Trong Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đáng kể công suất điện khí từ 7 GW trong năm 2020 lên 39.4 GW vào năm 2030,, và đạt đỉnh 46.9 GW vào năm 2035.
Trong khi quá trình chuyển đổi hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo khó có thể diễn ra trong tương lai gần, việc kết hợp khí thiên nhiên và khí hydro có thể là một trong những bước đi xanh sạch, tiết kiệm và hợp lý cho ngành điện.
Tháng 5/2021, GE công bố đơn đặt hàng tuabin khí cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Đây là dự án đầu tiên sử dụng tuabin khí thế hệ H trong nước. Sau khi đi vào hoạt động, Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến sẽ cung cấp 1,6 GW công suất điện và là nhà máy đầu tiên vận hành bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên cả nước. Dự án này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho ngành điện khí tại Việt Nam khi đưa vào sử dụng các tuabin 9HA có hiệu suất hàng đầu thế giới, mang lại hiệu quả và tính linh hoạt cực lớn cho các nhà sản xuất điện.
Ở châu Á hiện có khoảng 317 tuabin khí dẫn xuất của GE đã được lắp đặt, đóng vai trò quan trọng trong quản lý tình trạng thiếu điện, ổn định lưới điện và thúc đẩy quá trình tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện.
Đã có rất nhiều ví dụ thuyết phục về việc sử dụng hydro trên toàn thế giới, điển hình như tại Nhật, Úc và Hàn Quốc. Đồng thời, các tuabin khí thiên nhiên của GE đã được kiểm chứng là có thể vận hành bằng khí hydro, mở ra nhiều lựa chọn giảm phát thải cho các công ty sản xuất điện.
“Khi vận hành bằng những nhiên liệu phát thải ít và không phát thải như khí hydro, kết hợp với các công nghệ thu giữ và cô lập carbon, những tuabin khí hiện đại có thể sản xuất điện mà thải ra cực ít hoặc thậm chí không phát thải carbon, bất kể là dòng tuabin siêu công suất hay dòng tuabin khí dẫn xuất”, ông Ramesh Singaram, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Gas Power tại châu Á, cho biết.