Tân Thanh Thứ Tư | 15/02/2023 16:17

Central Retail cam kết tiêu thụ hàng chục tấn cam sành Vĩnh Long

Khi mức giá quá thấp khiến người nông dân trồng cam sành đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, phải chặt bỏ vườn cam.

Hiện nay, giá bán cam sành tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung đang xuống mức thấp nhất, thậm chí, có nơi giá bán tại vườn của người nông dân trồng cam sành chỉ còn 1.000 đồng/kg. Mức giá quá thấp này khiến người nông dân trồng cam sành đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, phải chặt bỏ vườn cam.

Với phương châm đồng hành cùng nông dân, từ ngày 15/2/2023, Hệ thống siêu thị GO!, Big C của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam triển khai chương trình “Đồng hành cùng nông dân – cam sành Vĩnh Long”; chương trình áp dụng mức giá bán không lợi nhuận đối với sản phẩm cam sành, qua đó tạo điều kiện để khách hàng của GO!, Big C cùng chung tay đồng hành, ủng hộ người nông dân trồng cam sành trong thời điểm khó khăn này.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết: “Chúng tôi thực hiện thu mua trực tiếp cam sành từ các hộ nông dân, hợp tác xã tại Vĩnh Long mà không thông qua thương lái nhằm đưa các sản phẩm cam sành tươi ngon, chất lượng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng, chương trình này sẽ góp phần giúp giá cam sành ổn định trở lại, giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trồng cam tránh được cảnh được mùa rớt giá”.

Cụ thể, đội ngũ thu mua của GO!, Big C đã trực tiếp đến các vườn cam sành để thu mua cam sành với giá thu mua tốt cho người nông dân với giá 10.000 đồng/kg. Và với chi phí vận chuyển, siêu thị đang áp dụng bán cam không lợi nhuận. Ngoài ra, nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ cam sành, dịp này, GO!, Big C còn giới thiệu thêm các sản phẩm chế biến từ cam sành như: nước ép cam, các loại bánh kèm cam tươi... Dự kiến, với chương trình “Đồng hành cùng nông dân – cam sành Vĩnh Long”, các siêu thị GO!, Big C cam kết tiêu thụ khoảng 25 tấn cam sành; góp phần để giá bán cam sành của nông dân tăng trở lại, giúp họ yên tâm sản xuất vụ mùa tiếp theo.