Ca mổ kéo dài 6 tiếng để súc rửa ổ bụng, cắt bỏ dạ dày cho bệnh nhân. Ảnh FV.

 
Thứ Năm | 31/08/2023 14:26

2 tháng giành giật sự sống cho bệnh nhân bị thủng dạ dày của bác sĩ Bệnh viện FV

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ Lê Đức Tuấn và bác sĩ Trần Xuân Tiềm, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV.

Cấp cứu trong tình trạng bị nhiễm trùng ổ bụng, suy dinh dưỡng nặng, rò tiêu hóa…, tiên lượng sống chỉ 20%, ông Kong Kham Pravong (quốc tịch Pháp) được các bác sĩ Bệnh viện FV nỗ lực suốt 2 tháng giành lại sự sống. 

Trước đó, bệnh nhân trải qua 2 ca phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, đặt hỗng tràng nuôi ăn tại Campuchia, nhưng bị biến chứng. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng huyết do nấm và suy dinh dưỡng nặng, cơ thể suy kiệt trầm trọng.  

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi bác sĩ Lê Đức Tuấn và bác sĩ Trần Xuân Tiềm, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV. Dạ dày của bệnh nhân bị thủng lớn và hoại, các bác sĩ quyết định cắt toàn bộ dạ dày, khâu lại mỏm thực quản đoạn xa, dẫn lưu mỏm tá tràng, dẫn lưu áp-xe trung thất dưới cạnh mỏm thực quản, dẫn lưu hố lách, dẫn lưu ổ bụng, đặt lại ống nuôi ăn hỗng tràng cho bệnh nhân

1 tháng sau, đại tràng góc lách của bệnh nhân bị rò. Ông được phẫu thuật đưa hồi tràng ra da (hậu môn nhân tạo đoạn cuối ruột non) bằng một vết thương nhỏ; đồng thời phẫu thuật nội soi khu trú vào vùng đại tràng xì rò nhiễm trùng ở tầng trên ổ bụng, súc rửa sạch, thiết lập các hệ thống dẫn lưu để cô lập và giải thoát vùng nhiễm trùng ra ngoài.

Sau mổ, mỗi ngày có 2 điều dưỡng và 1 hộ lý thay băng 3 lần; súc rửa, hút dịch qua ống dẫn lưu; xoay trở người để tránh lở loét; cho bệnh nhân dùng đúng liều kháng sinh, kháng nấm.

Bệnh nhân được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch và qua ống nuôi ăn, với liều lượng được tính toán kỹ bởi bác sĩ Khoa Dinh dưỡng. Dần dà, bệnh nhân tự ngồi được và đi lại trong khoảng cách ngắn, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Khoảng 1 năm nữa khi thể lực phục hồi tốt, ông Kong Kham Pravong cần thực hiện ca phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, nối lại thực quản với ruột non. 

Trên chuyến bay về Pháp chiều 23/8, có bác sĩ Trần Xuân Tiềm đồng hành, đảm bảo sức khỏe cho ông đến được sân bay Pháp an toàn.