Tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: Báo Chính Phủ
Tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức 30%/năm
Tại hội thảo về kinh tế xanh do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đang nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra về tăng trưởng xanh, như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh...
Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) - bà Michele Wee cho rằng, việc lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là thách thức lớn. Tuy nhiên tại Việt Nam, tín dụng xanh vẫn đang phát triển tích cực với hạn mức đầu tư liên tục tăng.
Hiện Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các ngân hàng xây dựng chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; các cơ quan này cũng có những bước đi tích cực trong tiến trình xanh hóa hệ thống ngân hàng, xanh hóa thị trường vốn. Do đó, nhiều ngân hàng thương mại đang đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất tín dụng xanh.
Vẫn còn không ít vướng mắc về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý để tăng khả năng huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực. Ảnh: T.L |
Tuy tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam mới chiếm 4-5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, song tốc độ tăng trưởng lên tới gần 30%. Báo cáo do Climate Bonds Initiative và ngân hàng HSBC công bố hồi tháng 6/2022 cũng cho thấy, tại Việt Nam, tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh năm 2021 đạt 1,5 tỉ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỉ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt 3 năm liền.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hằng năm, tương đương với khoảng 368 tỉ USD từ nay đến 2040, trong đó cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp…
Do đó, đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh; đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh…
NHNN cũng đề xuất cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ…
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, NHNN và Bộ Tài chính cần sử dụng tốt các công cụ của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thu hút dòng tài chính xanh cho tăng trưởng xanh như: thuế, phí, lãi suất, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, tái chiết khấu...
Có thể bạn quan tâm