Việc kiểm đếm phát thải đóng vai trò quan trọng trong hành trình trung hoà carbon. Nguồn: European Parliament.
Tiến đến Net Zero, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà máy trung hoà carbon
“Chúng tôi mong muốn nhà máy tại Nam Tân Uyên sẽ đạt chứng nhận trung hoà carbon vào năm 2025”, ông Trần Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Đức nói. Điều đáng nói là nhà máy này vẫn đang trong quá trình xây dựng, và tập đoàn hoạt động trong ngành gỗ dự kiến sẽ vận hành gần 250.000 m2 nhà xưởng tại 3 nhà máy vừa mới bắt tay vào công đoạn đầu tiên của hành trình trung hoà carbon vào cuối tháng 7, đó là kiểm đếm phát thải khí nhà kính.
Trước Trần Đức, đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sở hữu những nhà máy đạt chứng nhận trung hoà carbon (carbon neutral) như Vinamilk (hai nhà máy, một trang trại), Puratos (một nhà máy, một sản phẩm), …Việc đạt trạng thái trung hoà carbon thông thường được xác định bằng cách kiểm đếm đầy đủ lượng phát thải cả ba phạm vi 1, 2 và 3, sau đó bù đắp lượng carbon phát thải bằng tín chỉ carbon.
Vì vậy, việc kiểm đếm phát thải đóng vai trò quan trọng trong hành trình trung hoà carbon, tiến đến phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050, mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc COP26. Để chuẩn bị cho việc cắt giảm phát thải theo thoả thuận, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý khá toàn diện như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/QĐ-TTg về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…
Một loạt doanh nghiệp đã bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06, bao gồm những cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc nhà máy nhiệt định, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh vận tải hàng hoá hoặc toà nhà thương mại có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên.
“Việc kiểm kê khí nhà kính còn tương đối xa lạ trong doanh nghiệp Việt vì rào cản chi phí, thiếu nguồn lực và tâm lý e ngại”, đại diện của TÜV Rheinland Việt Nam, đơn vị kiểm định độc lập, cho biết. Những doanh nghiệp như Trần Đức, vốn không thuộc danh sách bắt buộc kiểm kê, phần lớn tham gia hành trình Net zero trước áp lực của các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ.
Hiện nay, tiêu chuẩn ISO 14067 đang được áp dụng rộng rãi trong kiểm kê khí nhà kính. Tuy vậy, có những khó khăn nhất định khi thực hiện ISO được đơn vị kiểm định chỉ ra, bao gồm đo lường đầy đủ phát thải phạm vi 3 (phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng), đồng bộ phương pháp tính toán trong toàn hệ thống, xác định hệ số phát thải đáng tin cậy và có nguồn lực chuyên môn để giám sát và duy trì hệ thống.
“Mỗi tấn phát thải carbon tương đương 80 Euro tiền phạt”, ông Phạm Lâm, Giám đốc Sản phẩm của FPT IS phân tích, “vì vậy nếu tính toán thiếu chính xác, doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn”.
Đến năm 2023, khoảng 120 quốc gia đã cam kết hoặc cân nhắc sẽ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tham gia Cuộc đua về Net Zero, hơn 9.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 cơ sở giáo dục và hơn 600 tổ chức tài chính đã cam kết hành động để cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, đóng góp gần một nửa lượng khí thải toàn cầu. Mặc dù ghi nhận các tăng trưởng về kinh tế, khu vực này phải đối mặt với những rủi ro khí hậu đáng kể, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam. Nếu không có các hành động về khí hậu, kịch bản phát thải cao có thể dẫn đến tổn thất về GDP nghiêm trọng lên đến 24% do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2100.
Nguồn: PwC |
Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero lần thứ 15 của PwC chỉ ra rằng thế giới phải đạt được tốc độ khử carbon hàng năm là 17,2% từ nay đến năm 2050 để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C so với mức tiền công nghiệp. Tốc độ này nhanh hơn 6 lần so với tốc độ khử carbon hiện tại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Khi chúng ta bước vào giữa thập niên 2020, việc chuyển dịch sang nền kinh tế với phát thải ròng bằng không trở nên vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp không nên trì hoãn và cần phải nhanh chóng hành động.”, PwC nói trong báo cáo Chuyển dịch Năng lượng tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: