Thực hành ESG: Bây giờ hoặc tụt hậu
Ngày 26/10/2022, tại TP.HCM, hội thảo “Tương lai ESG – Tương lai Việt Nam” đã được PwC Việt Nam phối hợp cùng VIOD và tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức. Hội thảo đã công bố báo cáo mới của PwC về ESG có tên “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022”, đồng thời cũng mang đến cho những người tham dự, cả trực tiếp và trực tuyến, quan điểm của các định chế tài chính lớn về ESG và chia sẻ từ những doanh nghiệp đi trước trong việc thiết lập ESG trong hệ thống kinh doanh của họ.
Kết quả Báo cáo Sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam được chia sẻ tại sự kiện |
Động lực ESG ngày càng lớn
Báo cáo về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022”, thực hiện trên 234 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trải dài trên tất cả loại hình doanh nghiệp từ FDI, niêm yết, gia đình… được PwC tiến hành cho thấy nhiều doanh nghiệp nhận biết được giá trị của việc triển khai chương trình ESG.
Ông Đoàn Đình Trung, Giám đốc chiến lược, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Cứ bốn trong năm doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch thực hành ESG trong tương lai gần 2 đến 4 năm tới. Trong khi hơn một nửa (57%) các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG, các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết có lẽ áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi 58% cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán - Đảm bảo, PwC Việt Nam chia sẻ kết quả Báo cáo tại sự kiện |
“Để cải thiện hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp” là động lực lớn nhất các doanh nghiệp chọn khi theo đuổi ESG, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám Đốc và Lãnh Đạo ESG của PwC chia sẻ. Điều thú vị là các doanh nghiệp cho rằng động cơ “thu hút nhân tài” đứng ở vị trí trung vị trong khi “áp lực từ chính phủ” xếp cuối cùng. “Điều này cho thấy nhu cầu ESG từ bản thân doanh nghiệp hơn là từ việc phải tuân thủ quy định”, ông Nguyễn Viết Thịnh, Thành viên Ban Cố vấn Chuyên môn, Viện Thành viên HĐQT Việt Nam VIOD, Sáng lập & Tổng Giám đốc, CGS Việt Nam, Thành viên Hội đồng Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings, nhận xét.
Ông Bee Han Theng, Chủ tich HĐQT PwC Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện |
Tuy nhiên, luôn có khoảng cách từ cam kết đến thực hành, và trong 6 mục đã khảo sát gồm chương trình ESG, cơ cấu quản trị, ban lãnh đạo, mục tiêu và chỉ số ESG, dữ liệu, và triển khai, những vướng mắc lớn nằm ở việc nhiều doanh nghiệp chưa rõ về cơ sở dữ liệu (70% doanh nghiệp) và chỉ có một tỉ lệ khiêm tốn thành viên ban lãnh đạo trực tiếp điều hành ESG (35%).
Khảo sát cho thấy 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG. Bên cạnh đó, 43% chưa xem xét đào tạo về ESG trong nội bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán - Đảm bảo, PwC Việt Nam chia sẻ kết quả Báo cáo tại sự kiện |
Để giúp doanh nghiệp thực thi ESG, ông Nam chia sẻ lộ trình đi qua 4 nhóm, bao gồm nhóm khởi đầu, nhóm thực thi, nhóm chiến lược và nhóm dẫn đầu. Trong đó nhấn mạnh nhóm chiến lược dẫn đầu trong hành trình ESG bằng việc bổ nhiệm giám đốc phát triển bền vững (PTBV), thành lập tiểu ban hướng dẫn và giám sát, và tăng cường truyền thông nội bộ.
Ông Andrew Chan chia sẻ tại sự kiện |
“Hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại đều là vô nghĩa”, ông Andrew Chan, Lãnh đạo Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á, Trung tâm Phát triển Bền vững PwC Châu Á Thái Bình Dương nhận định. Theo ông Andrew, cần cam kết tập thể và hợp tác của nhiều bên liên quan, từ cấp độ cá nhân, doanh nghiệp cho đến cấp độ thể chế, chính quyền.
Xu hướng không thể đảo ngược
Có khác biệt giữa công ty đầu tư sớm với việc công ty đang tìm hiểu, và mỗi ngành có nguyên nhân khác nhau để đầu tư. “Một số người nói phát triển bền vững là một khoản chi phí, một số nói điều đó không hiệu quả trong ngành kinh doanh của họ”, ông Andrew chia sẻ, “nhưng sự thật là không chỉ tiết kiệm chi phí mà phát triển bền vững còn mang đến tác động tích cực lên doanh thu”.
Phiên tọa đàm 1 với sự tham gia của đại diện PwC, VIOD, IFC và VinaCapital |
Việc phát triển bền vững còn mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư. “Công ty áp dụng chuẩn mực ESG cao thể hiện doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn,” bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành khối đầu tư, VinaCapital chia sẻ, “họ tìm cách tối ưu hoá chi phí sản xuất qua việc cắt giảm chi phí nguyên liệu, hoạt động hiệu quả nhờ áp dụng chuẩn mực tốt nhất về môi trường và xã hội”. Vì vậy, những doanh nghiệp này thường được đánh giá cao vì có giá trị nội tại cao.
Bà Nguyễn Thiên Hương, Lãnh đạo chương trình ESG, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng chia sẻ doanh nghiệp đầu tư vào ESG có thể nhận được ưu đãi về tín dụng, và việc ưu đãi thuế cũng đang được cân nhắc. “Tại Việt Nam đang có chính sách khuyến khích đầu tư các ngành xanh, và Chính phủ có thể sẽ thay đổi chính sách đối với các ngành nâu (ngành gây ô nhiễm)”, bà Hương thông tin. Đây cũng là cơ hội để dịch chuyển ngành doanh nghiệp có thể nắm bắt.
Việt Nam cam kết sẽ đạt được mức độ phát thải ròng bằng không (net-zero) vào 2050, giảm phát thải khí nhà kính đến 2030. Nương theo lộ trình quốc gia, phải chăng bây giờ là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp Việt đầu tư vào ESG?
Từ góc độ quốc gia, ông Andrew cho rằng cần xem xét đến áp lực của việc đầu tư, cân nhắc những yêu cầu của các thị trường giao dịch chính, kỳ vọng của tất cả các bên tham gia (khách hàng, nhà cung cấp và chính phủ) và cân bằng cam kết phát thải ròng bằng không với việc phát triển kinh tế. Ông đưa ra ví dụ vì vấn đề nhân quyền, một số nhãn hiệu của Malaysia đã bị cấm tại EU. “Muốn xanh phải tốn chi phí”, ông Andrew phân tích.
Trong khi đó, việc thay đổi tại doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào chiến lược và định hướng của họ, bà Hương nhận xét. Doanh nghiệp có thể thực thi ESG để huy động vốn và có thêm khách hàng mới. Liên quan đến ESG, IFC có cam kết về tỉ trọng đầu tư của IFC về biến đổi khí hậu.
“ESG cần được nhận thức sớm, cần được tập trung tại trung tâm là các thành viên Hội đồng quản trị”, bà Nguyễn Hoài Thu góp ý. Bà Thu nêu ví dụ về việc quỹ VinaCap đã đề cập đến ESG để các doanh nghiệp trọng yếu trong danh mục đầu tư cân nhắc, trong đó đề xuất doanh nghiệp bắt đầu xây dựng chính sách và chiến lược ESG, bổ nhiệm một cán bộ chuyên trách, đánh giá nội bộ hiện trạng ESG, và doanh nghiệp tự đưa ra mục tiêu ngắn
Từ tầm nhìn đến thực hành
Có hơn 6 năm kinh nghiệm thực hành ESG, PNJ được PwC đánh giá là một trong những người đầu tư sớm. Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Thành viên HĐQT, Trưởng Tiểu ban ESG Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), hóm hỉnh chia sẻ họ nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư về ESG hơn sau khi hoàn tất việc tích hợp ESG vào hệ thống của mình. “Lãnh đạo PNJ nhận thấy ESG sẽ mang đến cơ hội cho công ty”, bà Thảo chia sẻ về động lực giúp công ty tích cực thực hành ESG, “ESG giúp doanh nghiệp PTBV lâu dài, nâng cao giá trị của doanh nghiệp”.
Phiên tọa đàm 2 với sự tham gia của các doanh nghiệp tích cực trên hành trình thực hành ESG |
Giám đốc ESG, Tập đoàn VinGroup/ Công ty VinFast, ông Morgan Donovan Carroll chia sẻ ESG phát triển cùng doanh nghiệp của họ. Chuyển đổi từ sản xuất xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang xe điện, loại năng lượng “xanh” hơn, ESG cho phép VinFast có thể đo lường các nỗ lực và thêm giá trị gia tăng cho tập đoàn.
Hai trong số các ngành có tác động lớn đến việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không là ngành xây dựng và vận tải, vì vậy, những chuyển biến trong ngành sẽ có tác động rất lớn. Những công trình xanh chính là thành quả của quá trình đảo chiều tác động lên môi trường của ngành công nghiệp xây dựng, ngành ô nhiễm thứ hai trên thế giới, theo chia sẻ của ông David Ching Heng Hoe, Tổng Giám đốc, Ong&Ong Việt Nam.
“Năm 2010, chúng tôi đã thực hiện một dự án nhà ở xã hội ở Đà Nẵng. Bài toán khó đặt ra là giá bán chỉ 200 triệu đồng cho một căn hộ hơn 50m2 có hai phòng ngủ. Chúng tôi đã đưa ra giá thấp nhất, trong đó có việc không sử dụng gỗ và sử dụng ít hơn 15% lao động.” ông David chia sẻ. Khi nghĩ theo hướng bền vững, họ thiết kế sao cho giảm thiểu lượng rác thải tạo ra, và những sáng kiến vẫn xoay quanh mục tiêu lợi nhuận.
Phiên tọa đàm 2 thảo luận quay quanh lộ trình hiệu quả nhất đi đến ESG của doanh nghiệp |
Còn theo nhận định từ ông Morgan Donovan Carroll, "Đầu tư vào một trong ba thứ con người cần là phương tiện di chuyển". Ông cho biết, "VinFast mong muốn có thể phát triển những phương tiện chạy điện thành một hệ sinh thái xanh. Chiến lược chuyển từ xe dùng nhiêu liệu hoá thạch sang xe điện giúp giảm khí thải cacbon và VinFast không dừng lại ở đó mà phấn đấu để toàn bộ chiếc xe đều có thể tái sử dụng".
Bà Thảo chia sẻ “tích hợp” là từ khoá phân biệt CSR, thường được xem như một loại chi phí của doanh nghiệp, với ESG, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Khi nhìn dưới lăng kính tích hợp, PNJ nhận thấy trong các hoạt động của mình từ trước đã có bóng dáng của ESG, và họ đẩy mạnh những hoạt động trong tương lai. Lấy ví dụ việc các hoạt động liên quan đến việc giữ gìn ngành mỹ nghệ kim hoàn như tài trợ các cuộc thi, đào tạo nghệ nhân, … bà Thảo cho biết đồng thời họ cũng đang thực hiện phát triển nguồn lực con người. “Báo cáo cần kể được câu chuyện ESG của doanh nghiệp.”, bà Thảo bình luận về việc làm thế nào để thúc đẩy báo cáo ESG tại doanh nghiệp.
Thành công trong ESG không chỉ ở riêng lẻ mỗi khía cạnh tài chính, công bố thông tin, biến đổi khí hậu hay đa dạng hoá nguồn lực. Thành công đó đến từ việc tích hợp tất cả các khía cạnh và sáng kiến, bao gồm cả khía cạnh quản lý rủi ro, vào chiến lược và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
“Những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng”, ông Nguyễn Hoàng Nam đúc kết.