Ảnh: Bloomberg.com

 
Văn Quốc Thứ Hai | 23/08/2021 13:30

Thời của công nghệ khí hậu

Tất cả người chơi đều muốn có phần trong chiếc bánh tỉ USD về công nghệ khí hậu.

“Những thiên tài máy tính sẽ sáng tạo nên tương lai”, Vinod Khosla tuyên bố tại Viện Công nghệ California vào năm 2010. Nhà đầu tư mạo hiểm này không phải nói về những thiên tài máy tính làm nên thành tựu về thương mại điện tử, các ứng dụng thị trường hay nền tảng truyền thông xã hội, mà muốn gây cảm hứng đến thế hệ các kỹ sư và nhà khoa học để theo đuổi cải tiến về khí hậu. Ông dự đoán “10 năm kể từ bây giờ, phát minh sẽ bùng nổ”. 

Lời tiên đoán hơn 10 năm trước của ông đã đúng về thời điểm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số lượng bản quyền mới về các công nghệ lõi như pin, hydro, lưới điện thông minh và thu hồi carbon đã vượt xa các bản quyền mới về những công nghệ khác như nhiên liệu hóa thạch.

Dòng tiền cũng ồ ạt chảy vào cải tiến. BloombergNEF tính toán năm ngoái các nhà đầu tư đã rót hơn 500 tỉ USD vào công cuộc “chuyển đổi năng lượng”, tức việc khử carbon đối với mọi thứ từ năng lượng, vận tải cho đến công nghiệp, nông nghiệp, gấp 2 lần năm 2010. Một phần trong đó đến từ các nhà đầu tư mạo hiểm. PwC ước tính giai đoạn 2013-2020 vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào công nghệ khí hậu đã tăng gấp 5 lần tốc độ rót vốn vào các startup toàn cầu nói chung. Năm 2021, các khoản đầu tư này có thể xấp xỉ 60 tỉ USD chỉ riêng ở Mỹ, tăng từ mức 36 tỉ USD vào năm ngoái. Liệu cơn sốt này có tránh được số phận trước đó và mở ra một thời kỳ mới?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Ngành công nghệ khí hậu hiện đại đã bền vững hơn về mặt tài chính so với cách đây 1 thập kỷ, khi các công ty đầu tư mạo hiểm lỗ hơn phân nửa trong số 25 tỉ USD đã đầu tư vào các startup công nghệ sạch trong giai đoạn 2006-2011. Abe Yokell thuộc Congruent Ventures nhớ lại những năm tháng đen tối đó: “Nếu bạn đi vào phòng họp quản trị của một công ty đầu tư mạo hiểm và nói tôi đang triển khai mảng công nghệ sạch, thì các đối tác lập tức đứng dậy đi ra khỏi phòng”. 

Giờ đây tất cả đang trong một tâm cảnh hoàn toàn khác: ai nấy đều muốn có một chỗ đứng trong thị trường này, khi chứng kiến các câu chuyện thành công như Beyond Meat (lên sàn năm 2019 với mức định giá 1,5 tỉ USD nhưng nay trị giá gần 8 tỉ USD) và đặc biệt là Tesla (có vốn hóa chỉ 1,7 tỉ USD lúc lên sàn năm 2010 nhưng nay là 718 tỉ USD). S&P Global Clean Tech Index đã tạo ra mức sinh lợi hằng năm hơn 40% trong 3 năm qua, hơn gấp đôi mức sinh lời của S&P 500. 

Công nghệ khí hậu giờ chiếm tới 1/10 các khoản đầu tư mới được triển khai bởi Sequoia Capital. Tháng này, Chris Sacca thuộc Lowercase Capital, nhà đầu tư đã rót vốn vào Uber, Instagram và Twitter trong giai đoạn đầu, cho biết ông sẽ ra mắt các quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ khí hậu trị giá 800 triệu USD.

Không chỉ những hãng đầu tư mạo hiểm truyền thống, sự quan tâm còn đến từ chính phủ các nước, các tổ chức từ thiện, những ngân hàng ở Phố Wall, quỹ đầu tư tư nhân, công ty quản lý tài sản gia đình, các doanh nghiệp lớn... Những người chơi mới này đang đầu tư vào công nghệ khí hậu theo những cách hoàn toàn mới.

Giữa tháng 8.2021 Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) tuyên bố thương vụ hợp tác 1,5 tỉ USD với một bộ phận của Breakthrough Energy Ventures (BEV) nhằm tăng tốc phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực nhiên liệu hàng không bền vững, hydro xanh, thu hồi khí carbon trực tiếp và lưu trữ năng lượng dài hạn. DoE cũng có chương trình cho vay hàng chục tỉ USD để đẩy mạnh các sáng kiến xanh trong lĩnh vực năng lượng và vận tải. Đầu năm nay Ủy ban châu Âu cũng phối hợp với BEV triển khai sáng kiến 1 tỉ USD nhằm xây dựng các dự án công nghệ sạch quy mô lớn.

Những công ty quản lý tài sản gia đình cũng rất tích cực bơm vốn vào các công ty giai đoạn đầu. Đáng chú ý là họ sẵn sàng bám trụ lâu dài. Công ty quản lý tài sản gia đình của giới siêu giàu hiện chiếm tới khoảng 10% tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm vào công nghệ khí hậu, tăng từ mức 5% cách đây 1 thập kỷ.

Nhiều doanh nghiệp lớn không dừng lại ở cam kết net zero mà trực tiếp đầu tư vào công nghệ khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp lớn không dừng lại ở cam kết net zero mà trực tiếp đầu tư vào công nghệ khí hậu.

Trong khi đó, đầu năm nay, JPMorgan Chase cho biết sẽ đầu tư 2.500 tỉ USD vào các hoạt động đầu tư bền vững trong 10 năm tới. Trong số đó, 1.000 tỉ USD sẽ rót vào các công nghệ sạch. Hay hồi tháng 4, BlackRock, một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã phối hợp với Temasek (Singapore) để lập một quỹ khử carbon trị giá 1 tỉ USD. Chỉ trong tháng 7, các công ty đầu tư tư nhân đã cam kết rót hơn 16 tỉ USD vào công nghệ khí hậu. TPG cũng đã huy động 5,4 tỉ USD cho quỹ Rise Climate của mình. Brookfield Asset Management thì công bố quỹ khí hậu 7,5 tỉ USD do Mark Carney, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, dẫn dắt...

Nhiều doanh nghiệp lớn không dừng lại ở cam kết net zero mà trực tiếp đầu tư vào công nghệ khí hậu. Theo PitchBook, giai đoạn 2017-2020, các khoản đầu tư như vậy của các doanh nghiệp đã vượt 40 tỉ USD. Chẳng hạn, Microsoft lập quỹ công nghệ khí hậu 1 tỉ USD hay Amazon tung ra quỹ khí hậu 2 tỉ USD.

Nhìn nhận về cơn sóng đầu tư vào công nghệ khí hậu lần này, Shaun Maguire thuộc Sequoia cho rằng sự trỗi dậy của dòng vốn mạo hiểm ở giai đoạn sau và sự tham gia của các tập đoàn đầu tư tư nhân là một diễn biến lành mạnh đối với hệ sinh thái startup. "Nhiều hãng công nghệ khí hậu đòi hỏi vốn cho hoạt động cải tiến nên sự gia nhập của vốn tư nhân là rất hữu ích", Maguire nói. Đồng quan điểm, Laura-Marie Töpfer thuộc Extantia (Đức) cũng cho rằng vốn đầu tư tư nhân giúp giải quyết vấn đề cho 95% các nhà khởi nghiệp mà trong quá khứ đã không thể huy động được vốn cho giai đoạn sau. Đây là yếu tố giúp cho các nhà đầu tư giai đoạn đầu cảm thấy tự tin hơn với những startup đang nỗ lực giải các bài toán về khí hậu.

Một tín hiệu tích cực khác là trong quá khứ, những công ty đầu tư mạo hiểm rót vốn vào các startup cùng chạy theo những công nghệ tương tự thì nay các nhà đầu tư mới rất cởi mở trong việc hợp tác để phân tán rủi ro và tăng tốc đà phát triển công nghệ khí hậu mới.

Hiện tại, một số người chơi đang hái quả ngọt từ canh bạc đặt cược sớm của mình như tỉ phú Vinod Khosla. Kể từ tuyên bố năm 2010, Khosla đã rót vốn vào nhiều công ty trong ngành công nghệ khí hậu như Impossible Foods, QuantumScape. Impossible Foods (sản xuất protein thay thế với carbon thấp) hiện được định giá lên tới 10 tỉ USD.