Theo Greenpeace, lưới đánh cá có thể tiếp tục giết chết hoặc làm chết ngạt sinh vật biển trong nhiều thập kỷ. Nguồn ảnh: Sea Shepherd.

 
Phùng Mỹ Chủ Nhật | 18/10/2020 09:59

Thiết bị thủy sản "xanh" cho các vấn đề nhựa đại dương

Tổ chức Hòa bình xanh kêu gọi hành động toàn cầu đối với ngư cụ gây hại cho sinh vật biển.

► Ngư cụ bị mất và bỏ đi là chất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất trong đại dương.

► Kuraray của Nhật đang phát triển vật liệu để làm cho thiết bị có thể phân hủy sinh học.

Theo Nikkei Asian Review, khi sự gia tăng của nhựa đại dương trở thành mối quan tâm toàn cầu, lưới và các thiết bị đánh cá khác ngày càng được coi là thủ phạm chính.

Tại Nhật, ngư cụ chiếm khoảng 40% chất thải biển dạt vào bờ biển ở 10 khu vực ven biển trong năm tài chính 2017, theo khảo sát của Bộ Môi trường Nhật. Con số này vượt xa so với chai nhựa, chỉ chiếm 8%.

Một ngư dân ở Indonesia tìm kiếm lưới đánh bắt của mình trên một bãi biển đầy rác thải nhựa. Các thiết bị đánh bắt bị bỏ đi đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường. Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review.
Một ngư dân ở Indonesia tìm kiếm lưới đánh bắt của mình trên một bãi biển đầy rác thải nhựa. Các thiết bị đánh bắt bị bỏ đi đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường. Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review.

Kuraray và các công ty Nhật khác đang tập trung vào việc phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường cho các công cụ và dụng cụ đánh cá, chẳng hạn như lưới và phao, đồng thời thúc đẩy việc tái chế chúng.

Công ty Kuraray có trụ sở tại Tokyo đang làm việc với thương nhân thủy sản Nichimo để phát triển thiết bị làm bằng nhựa phân hủy sinh học ở một góc của trang trại nuôi hàu tại cảng Jigozen, Hiroshima.

Kể từ tháng 10.2018, hai công ty đã thử nghiệm việc sử dụng nhựa phân hủy sinh học trong các đường ống giữ các cụm sò trong nước. Các đường ống phân hủy sinh học, khi bị sứt mẻ hoặc vỡ, không xả rác xuống đáy đại dương, vì cuối cùng chúng sẽ phân hủy thành nước và carbon dioxide.

Vấn đề là các đường ống như vậy kém bền hơn so với ống nhựa. Các công ty có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm các vật liệu và phương pháp chế biến khác nhau cho đến cuối tháng 3 năm sau. Họ nhắm đến việc bán sản phẩm ở cả Nhật, cũng như Mỹ và Châu Âu.

Dụng cụ đánh bắt cá chiếm 40% lượng rác thải nhựa ra đại dương ở Nhật. Nguồn ảnh: CEM.
Dụng cụ đánh bắt cá chiếm 40% lượng rác thải nhựa ra đại dương ở Nhật. Nguồn ảnh: CEM.

Đến năm 2026, Kuraray có kế hoạch tăng doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh nhựa sinh học lên gấp 5 lần đạt 1 tỉ USD so với mức năm 2019. Trong năm nay, công ty bắt đầu bán hộp đựng thực phẩm có thể phân hủy sinh học ở Mỹ.

Kuraray không đơn độc bởi lẽ các công ty Nhật khác cũng đang theo đuổi các cơ hội tương tự. Công ty tái chế nhựa Refinverse có trụ sở tại Tokyo đã phát triển công nghệ biến lưới đánh cá đã qua sử dụng thành sợi nylon cho quần áo và các vật dụng khác. Công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt sợi vào cuối năm nay, nhằm bán cho các nhà sản xuất quần áo.

Công ty Refinverse cũng chế biến lưới đánh cá thành nhựa dẻo. Tháng 3 vừa qua, Refinverse đã hợp tác với Morito Japan, một nhà kinh doanh vật liệu may mặc, để bắt đầu bán các phụ kiện may mặc, bao gồm cả nút sử dụng vật liệu tái chế.

Nhà sản xuất thiết bị môi trường Elcom ở Sapporo chuyển phao làm bằng bọt nhựa thành nhiên liệu máy phát điện bằng cách cắt nhỏ và nén chúng thành dạng viên.

Một trong những lý do chính khiến các công cụ đánh cá bị bỏ đi chiếm rất nhiều rác thải nhựa ở biển Nhật là bởi chi phí xử lý chúng cao. Nhiều người trong ngành dường như chọn đổ rác bất hợp pháp hơn là thuê nhà thầu xử lý chất thải theo yêu cầu của pháp luật. 

Một trang trại nuôi hàu ở tỉnh Hiroshima. Ống nhựa được sử dụng trong nuôi động vật thân mềm có thể thải ra đáy đại dương khi bị sứt mẻ hoặc vỡ. Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review.
Một trang trại nuôi hàu ở tỉnh Hiroshima. Ống nhựa được sử dụng trong nuôi động vật thân mềm có thể thải ra đáy đại dương khi bị sứt mẻ hoặc vỡ. Nguồn ảnh: Nikkei Asian Review.

Thực tế, rất ít công ty bán thiết bị đã qua sử dụng cho các công ty tái chế. Trong khi đó, việc tái chế hộp nhựa đựng thực phẩm và các sản phẩm hàng ngày đã đạt được nhiều tiến bộ. Những mặt hàng như vậy dễ nhìn thấy hơn đối với người tiêu dùng và nhà đầu tư, khiến họ càng có ý thức về các vấn đề môi trường.

Một số nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng đã bắt đầu hành động để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Cụ thể, Procter & Gamble đã giới thiệu các thùng chứa một phần được làm từ rác thải nhựa biển để làm chất tẩy rửa bát đĩa.

Công ty Mỹ đã liên kết với công ty khởi nghiệp chuyên tái chế nhựa TerraCycle của Mỹ và đã bán được 550.000 chai chất lỏng, với 25% mỗi chai là vật liệu được tái chế từ nhựa đại dương.

Trong khi đó, công ty Itochu của Nhật đã bắt đầu thử nghiệm tái chế rác thải nhựa thành các thùng chứa các sản phẩm gia dụng. Theo dự án, rác thải đại dương do chính quyền thành phố đảo Tsushima, tỉnh Nagasaki thu gom được sử dụng trong các thùng chứa và hàng hóa hàng ngày.

Công ty Itochu đặt mục tiêu tung ra các sản phẩm trong năm nay với doanh số 4.000 tấn, tương đương 8 triệu chai dầu gội đầu, đạt doanh thu 8 tỉ yen (76 triệu USD).

Có thể bạn quan tâm:

► Biến đổi khí hậu là khủng hoảng tiếp theo của châu Á