Ngành thực phẩm đang được nhiều doanh nghiệp ngoại quan tâm. Ảnh: TL.

 
Minh Anh Thứ Hai | 14/08/2023 13:48

Thị trường thực phẩm tăng yêu cầu về tính bền vững

Thị trường thực phẩm đã vực dậy sau thời gian dài khó khăn từ dịch COVID-19. Nhưng đi kèm theo đó là những áp lực ngày càng lớn.

Thị trường nhập khẩu gia tăng yêu cầu về tính bền vững

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng trưởng bình quân 7,04%/năm giai đoạn 2018-2022.

Tuy nhiên, theo ông Hiến, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là hiện nay, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Cùng với đó, những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Thực phẩm
Triển lãm ngành thực phẩm năm 2022. Ảnh: TL.

Theo báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực của Ipos.vn, quy mô doanh thu ngành F&B năm 2022 đạt gần 610.000 tỉ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Có thể thấy, năm 2022, thị trường này đã lấy lại được mức tăng trưởng. Thậm chí, sang đến tháng đầu năm 2023, thị trường này còn sôi động hơn. Các quán cà phê, nhà hàng ăn uống dần đông đúc hơn. Sau dịch, tần suất đi ăn uống bên ngoài của mọi người nhiều hơn.

Báo cáo về thị trường kinh doanh ẩm thực của Ipos.vn cho thấy, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 đã phục hồi sát với mốc trước dịch COVID-19, đạt hơn 333.000 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến ngành F&B Việt Nam

"Sau đại dịch, lượng khách quay trở lại với việc ăn uống bên ngoài rất nhiều. Họ cũng tăng tỉ lệ chi tiêu. Người Việt coi ẩm thực cũng là một nét văn hóa nên việc đi ăn bên ngoài cũng là sự kết nối", ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, đánh giá.

Cũng theo báo cáo của Ipos.vn, người tiêu dùng có khuynh hướng giữ nguyên mức chi tiêu hiện tại cho ẩm thực chiếm tỉ trọng nhiều nhất với 46,27%, 30,9% đáp viên trả lời sẽ tăng mức chi tiêu và chỉ có 22,8% người có ý định giảm mức chi tiêu. Đại dịch COVID-19 cũng khiến "online hóa" nhiều thứ, trong đó có việc mua đồ ăn, thức uống. Khảo sát của Ipos.vn cho thấy, có 88,2% doanh nghiệp F&B được hỏi đã ứng dụng phần mềm bán hàng. Tuy nhiên theo chuyên gia, đây chỉ là bước đầu tiên, bởi quá trình chuyển đổi số còn cần nhiều hơn thế.

"Việc bán hàng online chỉ là một phần nhỏ của chuyển đổi số. Phía sau của ngành dịch vụ còn rất nhiều việc như quản lý kinh doanh, quản trị hàng tồn, chi phí, quản lý nhân sự, marketing…", ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, cho biết.

M
Nhận thấy tiền năng thị trường, nhiều doanh nghiệp ngoại đã tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Ảnh: TL.

Nhận thấy tiền năng thị trường, nhiều doanh nghiệp ngoại đã tích cực tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam thông qua nhiều hình thức như giao thương, hội chợ triển lãm. Nổi bật tại triển lãm Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2023 - triển lãm quốc tế kết hợp 2 chuyên ngành “Thực phẩm, đồ uống & Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì ngành thực phẩm, đồ uống” năm nay là 9 khu gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ đến từ Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hy Lạp, Nga, Nhật, Singapore và Thái Lan.

Các khu gian hàng được dàn dựng công phu, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đặc trưng như: gia vị, hạt có dầu, ngũ cốc thực phẩm, trái cây khô, thịt trâu không xương đông lạnh của Ấn Độ; các dòng đồ uống chiết xuất hoa quả và bánh kẹo của Ba Lan; bánh mochi, trà sữa, thạch rau câu Đài Loan (Trung Quốc); hải sản, kim chi, rong biển, trái cây tươi, bánh gạo tokbokki, nhân sâm, hồng sâm và các dòng sản phẩm chế biến từ sâm của Hàn Quốc; hương vị rượu nho trứ danh của vang Hy Lạp; xúc xích, thịt hộp, mứt hoa quả nổi tiếng đến từ Nga; bánh gạo nổi tiếng Nhật; rượu hoa quả Singapore; bột cà ri, bột nấu ăn, nước sốt nấu ăn, nước chấm ngập tràn hương vị đất nước Thái Lan.

Năm nay Triển lãm tiếp tục kết hợp cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến cùng kỳ vọng tận dụng ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp thiết lập các mối quan hệ kinh doanh mới không chỉ trong 3 ngày tại Triển lãm, mà còn trong 365 ngày trên nền tảng số. Không gian triển lãm trực tuyến giúp khách tham quan có thể tìm hiểu thông tin về các gian hàng, xem sản phẩm và tương tác với doanh nghiệp thuận tiện bằng cách sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động.

Có thể bạn quan tâm:

Hội nghị Kinh tế tiêu dùng: Xu hướng tiêu dùng - Thập kỷ tương lai