Dự án Nhà máy tái chế nhựa Duy Tân là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC cấp cho một công ty Việt Nam. Ảnh: Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 31/01/2022 07:30

Thêm xanh cho chỉ số

Việt Nam đưa ra những cam kết cao nhất hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra một cam kết khá “nặng ký” trong cách đánh giá của giới bảo vệ môi trường thế giới. Đó là việc Việt Nam xác định ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách.

Cam kết xanh, đón tăng trưởng xanh

Thực tế, Việt Nam cũng không thể đưa ra cam kết “nhẹ ký” hơn trước cả rủi ro và cơ hội trong những nỗ lực phát triển bền vững. Tương lai xanh không chỉ chặn đứng sự hủy hoại thiên nhiên mà Việt Nam đang phải đối mặt do tăng trưởng nóng, mà còn đang mang lại dòng tiền xanh cho Việt Nam nếu tận dụng cơ hội chuyển mô hình tăng trưởng đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

 

Việt Nam cần đón đầu sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới, tận dụng những cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo, trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Ngoài ra, có thể bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giám đốc Điều hành GreenID, bà Ngụy Thị Khanh, cho rằng nếu Việt Nam đưa ra cam kết cao về giảm phát thải carbon, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận được các nguồn tài chính khí hậu công lẫn tư, trong đó có nguồn tài chính 100 tỉ USD mỗi năm mà COP26 hướng đến, để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước đang phát triển.

 

Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables, cho biết năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Chỉ trong vài năm gần đây, từ gần như là con số 0, Việt Nam đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời, với tổng công suất tích lũy vào cuối năm 2020 đạt 9,3 GW. Vì vậy, những cam kết từng bước bỏ điện than của Việt Nam thực chất là mở ra những cánh cửa khác rộng hơn của năng lượng sạch.

Trong khi đó, ông Wai-Shin Chan, Giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Giám đốc Toàn cầu về Nghiên cứu ESG của Ngân hàng HSBC, cho rằng: “Nhà đầu tư sẽ đòi hỏi cao hơn từ các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải nhiều carbon, họ cần suy nghĩ lại về mô hình và chiến lược kinh doanh; đối với các ngành công nghiệp, cần có những giải pháp giảm thải carbon cải tiến hơn; đối với tất cả phân khúc của nền kinh tế, cần chuẩn bị cho tác động của biến đổi khí hậu”.

Yếu tố ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) cũng tạo ra một làn sóng mới ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo MSCI, 79% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đầu tư vào ESG một cách đáng kể vào năm 2020 nhằm đối phó với những bất ổn của đại dịch COVID-19 và 57% có kế hoạch đưa ESG ở mức độ lớn hơn vào phân tích và quy trình quyết định đầu tư của họ vào cuối năm 2021.

Đại dịch thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo một cuộc khảo sát của BarclayHedge, gần 60% tài sản quỹ phòng hộ được gắn với tiêu chí ESG vào năm 2019, tăng từ 42% vào năm 2018. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào ESG, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ những tiêu chuẩn ESG.

“Hiện tại, 100% các dự án đầu tư của Dragon Capital phải được phân tích, chấm điểm theo tiêu chí ESG. Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của ESG và thúc đẩy những người có trách nhiệm phải suy nghĩ đến sự bền vững hơn là kinh tế”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dragon Capital, nhận định.

   La Vie ra mắt sản phẩm sử dụng chai được làm từ nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm. Ảnh: Quý Hòa.
La Vie ra mắt sản phẩm sử dụng chai được làm từ nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm. Ảnh: Quý Hòa.

Quyền năng của người tiêu dùng

Báo cáo năm 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về Trao quyền để các thành phố hướng tới tương lai phát thải bằng không đã chỉ ra rằng, bằng cách tập trung vào các thành phố, đến năm 2050 sẽ giảm được gần 90% khí thải. Thay đổi như vậy sẽ tạo ra phân cấp rõ rệt hơn cho dân số của các thành phố, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ được cải thiện nhờ môi trường trong sạch hơn. Thay đổi cũng sẽ tác động lên điều kiện kinh tế xã hội qua việc có thêm các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả hơn, cũng như số lượng công việc và chuyên môn được tạo ra từ những ngành năng lượng đang nổi này.

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết USAID sẽ hỗ trợ sáng kiến Chỉ số Xanh nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia hành động vì môi trường. Dự kiến, Chỉ số Xanh sẽ được thực hiện lồng ghép với điều tra PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của USAID nhiều năm qua. Các địa phương ở thứ hạng cao có thể là địa bàn đầu tư mà các doanh nghiệp “xanh” muốn tìm đến, để hưởng lợi từ những chính sách chú trọng đến môi trường, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, sạch.

 

Một vấn đề khiến nhiều người quan ngại chính là lượng phát thải CO2 toàn cầu từ các thành phố. Với dự báo 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở đô thị vào năm 2050 và 70% lượng khí thải toàn cầu là từ các thành phố, các nước cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và phương thức tiếp cận nhằm đảm bảo bền vững hơn nữa.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực ngày càng có ý thức về bền vững, Việt Nam có thể bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp hiện tại của quốc gia và đặt các quy chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn làm trọng tâm hành động.

Nghiên cứu nền tảng bền vững châu Á của Kantar năm 2021 chỉ ra rằng 53% người tiêu dùng bắt đầu ngừng mua sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu lên môi trường và xã hội. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp và ngành nghề lớn đang xem xét những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường khi tìm kiếm nguồn năng lượng, mà nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ sạch và bền vững hơn cũng mở rộng. Đánh giá của Kantar Worldpanel năm 2020 nhấn mạnh rằng bền vững nằm trong nhóm 5 mối quan tâm hàng đầu của người Việt, cho thấy vai trò quan trọng của cá nhân trong việc định hướng nghị sự về biến đổi khí hậu.

Sáng kiến từ Youth4Climate và GreenID của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) là ví dụ về việc các tổ chức đang tìm cách ủng hộ và tạo diễn đàn cho thế hệ trẻ lên tiếng. Youth4Climate đã ra mắt Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ, đồng thời trao quyền và hỗ trợ mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu nhằm thúc đẩy phong trào sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Bà Morgane Rivoal, viên chức về Biến đổi khí hậu và Kinh tế tuần hoàn thuộc UNDP tại Việt Nam, nhận định khía cạnh chính của sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam là “mở rộng hiểu biết của giới trẻ về những thách thức liên quan mật thiết với biến đổi khí hậu, đồng thời bồi đắp năng lực để giới trẻ có thể đảm nhận và dẫn dắt các hành động vì khí hậu”.

Bà Ngụy Thị Khanh, GreenID, nhấn mạnh dẫu cần có thời gian để thay đổi những chính sách giải quyết các vấn đề quanh nguồn năng lượng bền vững, buộc doanh nghiệp phải đưa phát thải CO2 bằng 0 vào trọng tâm hoạt động, “chúng ta, những người sử dụng năng lượng cũng có quyền năng trong việc kiến tạo thay đổi”. 

“Chúng ta phải tìm ra cách để cả người dùng năng lượng và doanh nghiệp thiết tha với việc sử dụng năng lượng xanh cũng như lợi ích của hoạt động này”, bà Khanh nói và đề xuất rằng thay đổi phải đến từ cả nhà cung cấp năng lượng và người tiêu dùng cuối cùng để đạt được những mục tiêu như vậy.

Xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị cơ quan chức năng công bố.
Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.