Thành phố Tokyo, Nhật Bản nhìn từ tháp phát sóng cao nhất thế giới Skytree. Ảnh: Bloomberg.
Thế giới học gì từ các chiến lược đối phó với thiên tai của Nhật Bản
Theo Bloomberg, ở Nhật Bản, lập kế hoạch cho thiên tai là một công việc nghiêm túc.
Trong thập kỷ qua, quốc đảo này đã vượt qua khoảng 20% các trận động đất “mạnh” trên thế giới (từ 6 độ Richter trở lên) cũng như nhiều cơn bão nhiệt đới mỗi năm. Điều tồi tệ nhất trong số những sự kiện này đó là trận động đất Tohoku năm 2011, gây ra thảm họa sóng thần khủng khiếp và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi, khiến hơn 15.000 người thiệt mạng.
Sóng thần do trận động đất Tohoku gây ra đã ập vào bờ biển Minamisoma thuộc tỉnh Fukushima vào tháng 3.2011. Ảnh: AFP. |
Và biến đổi khí hậu đang làm cho các thảm họa lớn xảy ra thường xuyên hơn. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, số vụ thảm họa trên toàn cầu đã tăng từ 4.212 vụ lên 7.348 vụ trong vòng 20 năm qua. Nó ảnh hưởng đến 4,2 tỉ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỉ USD.
Vì vậy, vốn đầu tư của Nhật Bản vào việc giảm nhẹ thiên tai đang tăng lên, thông qua tài trợ của khu vực công, kỹ thuật địa chấn và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.
Hồi tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật đã thông qua một kế hoạch mới 5 năm trị giá 15.000 tỉ yen (144,4 tỉ USD) để đẩy nhanh các hoạt động chuẩn bị chống thiên tai. Các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro của các trận động đất lớn được dự báo.
Kế hoạch trên được thông qua sau khi chính phủ nước này đánh giá một dự án khẩn cấp kéo dài 3 năm sẵn có không đủ để bảo vệ tính mạng và tài sản.
Các kiến trúc sư và kỹ sư đang thúc đẩy ranh giới của công nghệ và thiết kế để giảm thiệt hại. Các yếu tố tạo nên sự khác biệt cho ngành công nghiệp chống thiên tai của Nhật chính là việc những kỹ sư-kiến trúc sư được cấp phép để chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của công trình trong thời gian 10 năm.
“Bằng cách từng bước sửa đổi luật xây dựng để ứng phó với các trận động đất liên tiếp cũng như những thay đổi về kinh tế xã hội và nhân khẩu học, Nhật Bản đã tạo ra một môi trường xây dựng an toàn nhất và chống chịu được thiên tai nhất trên thế giới”, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018.
Tháp truyền hình cao nhất thế giới Tokyo Skytree với độ cao 634m, một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn của thành phố kể từ khi nó mở cửa vào năm 2012, là một minh chứng nổi tiếng về những nỗ lực của đất nước mặt trời mọc.
Tokyo Skytree được thiết kế để gió mạnh đi qua các khe hở giữa các giàn. Ở chân đế của nó, bộ giảm chấn cao su được sử dụng để giảm chuyển động. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Atsuo Konishi, kỹ sư kết cấu cấp cao tại Nikken Sekkei, người đã góp mặt cho công trình Skytree cho biết: gió là điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất đối với các tòa nhà cao tầng. Vì vậy, kỹ sư Konishi và các đồng nghiệp của ông đã thiết kế một tháp giàn thép cho phép gió mạnh đi qua các khe hở một cách đơn giản.
Skytree cũng có một hệ thống kiểm soát rung động độc đáo: Cột di chuyển với độ trễ thời gian và giảm độ rung của toàn bộ tòa nhà lên đến 50% khi có động đất và 30% khi có gió mạnh.
Một hệ thống phổ biến hơn là cách ly địa chấn, khi đó nền móng của một tòa nhà hoạt động như một bộ giảm chấn. Kỹ thuật này đã được sử dụng ở Nhật Bản từ đầu những năm 1980. Hiện, hàng nghìn tòa nhà ở Nhật và nước ngoài, bao gồm cả trụ sở chính tại Thung lũng Silicon của Apple, cũng áp dụng kỹ thuật này.
Trong các tòa nhà mới hơn, một số công ty đang thử nghiệm các vật liệu độc đáo, như gỗ kết hợp thép để cải thiện khả năng chống động đất của tòa nhà.
Trí tuệ nhân tạo cũng đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế tòa nhà an toàn hơn. Phần mềm mô phỏng bão có thể dự đoán tải trọng và tốc độ gió trong vòng 2 - 3 ngày. Trước đây, quá trình này đòi hỏi nhiều tháng thu thập dữ liệu và thử nghiệm đường hầm gió.
Ông Hideyuki Tanaka, trưởng nhóm của bộ phận kỹ thuật môi trường tự nhiên và sinh học tại Takenaka Corp, công ty kỹ thuật kiến trúc đang phát triển phần mềm cho biết: “Độ chính xác tính toán của phần mềm cũng tốt như các thử nghiệm trong đường hầm gió. Các kiến trúc sư có thể đưa dữ liệu vào các yếu tố thiết kế như hình dạng của tòa nhà và độ dày của kính cửa sổ”.
Đối với tất cả những tiến bộ của Nhật Bản trong việc lập kế hoạch chống thiên tai, vẫn còn những khoảng trống đáng kể. Quản lý rủi ro lũ lụt vẫn đang được tiến hành. Việc sơ tán thường đặc biệt khó khăn đối với những người già yếu, một vấn đề đặc biệt đối với dân số già của nước Nhật.
Giường carton tại một nơi trú ẩn cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh Kumamoto vào tháng 7.2020. Ảnh: AFP. |
Một giải pháp khả thi là xây dựng những nơi trú ẩn chống thiên tai trong nhà. Lấy cảm hứng từ các thiết kế Bắc Âu, nhà ở bằng gỗ của kiến trúc sư Naoko Ito có trụ sở tại Nagoya được thiết kế để tăng độ bền của toàn bộ ngôi nhà đồng thời đảm bảo một nơi an toàn hơn cho cư dân mà không cần phải sơ tán.
Quản lý rủi ro của Nhật Bản còn phải tiến xa hơn nữa. Nhưng khi thiên tai trở nên thường xuyên hơn, các quốc gia khác cũng đang xem xét cách tiếp cận của người Nhật.
Mayumi Sakamoto, giáo sư tại Trường Cao học Đại học Hyogo chuyên về Quản lý Rủi ro Thiên tai, cho biết: “Bằng cách lắp đặt các cơ sở chuẩn bị cho thiên tai trong giai đoạn xây dựng, thành phố sẽ trở nên kiên cường hơn”.
Có thể bạn quan tâm:
► "Điểm sáng" năng lượng tái tạo sau thảm họa hạt nhân Fukushima