Từ con số 2 triệu USD, Việt Nam đã thu hút 524 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau 35 năm.

 
Mai Nguyễn Thứ Tư | 21/08/2024 16:32

Thảm đỏ đón FDI xanh

Thúc đẩy dòng vốn FDI xanh là một chiến lược quan trọng để đảm bảo Việt Nam về đích sớm với chiến lược chuyển đổi xanh.

Tăng cường dòng vốn FDI xanh cũng đồng thời mở rộng cơ hội đón nhận các công nghệ hiện đại, đảm bảo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, xã hội.

Từ con số 2 triệu USD, Việt Nam đã thu hút 524 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau 35 năm. FDI trở thành động lực tăng trưởng nhiều năm qua, nhưng cũng khiến kinh tế trong nước ngày càng phụ thuộc vào ngoại lực, trong đó 72% xuất khẩu phụ thuộc vào FDI.

Dịch chuyển đầu tư xanh 

Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong thu hút FDI nhưng ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lưu ý hiện tượng các doanh nghiệp đến Việt Nam chỉ để tận dụng lợi thế về đất đai, nhà cửa, năng lượng, lao động và cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, cảng biển. ”Sự gắn kết giữa nhóm doanh nghiệp FDI này với quốc gia bản địa là không có, nếu các yếu tố ban đầu kém đi, nhóm doanh nghiệp này lập tức chuyển dịch sang một quốc gia khác”, chuyên gia này phân tích. Một thực tế khác là Việt Nam có thể trở thành điểm đến của dòng vốn FDI công nghệ lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường trong các ngành khai khoáng, sản xuất giấy, xi măng...

Vì vậy, để nền kinh tế không phụ thuộc quá nhiều vào nhóm FDI kém chất lượng, cần gia tăng tính kết nối với nhóm công nghệ cao, đầu tư lớn, bền vững và cam kết đầu tư lâu dài. Cùng với đó, dòng vốn FDI đi cùng với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (FDI xanh) đang là một xu hướng đầu tư tất yếu. Đồng thời, các quốc gia nhận đầu tư ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Khi nhận được các dự án đầu tư FDI sạch cũng sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ hiện đại, đảm bảo tăng trưởng chất lượng cao vừa đảm bảo môi trường.

Mặc dù đưa ra cam kết cao về mục tiêu Net Zero nhưng Việt Nam có chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu còn tương đối mới, chiến lược tăng trưởng xanh cũng chỉ mới được áp dụng. Do đó, thúc đẩy dòng vốn FDI xanh là một chiến lược quan trọng để đảm bảo Việt Nam về đích sớm với chiến lược chuyển đổi xanh.

Thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình gần đây như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Hay dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận có công suất 3,5 GW với tổng vốn đầu tư lên tới 10,5 tỉ USD, có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 7 triệu hộ gia đình. Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh được thiết kế với công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày...

Mệnh lệnh chuyển đổi

Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung, Foxconn... Có điểm chung là tất cả đều cam kết việc sử dụng năng lượng sạch là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi xanh của Việt Nam không chỉ là cam kết về môi trường mà còn là nhu cầu kinh tế mang tính chiến lược để thu hút và giữ chân vốn FDI, đặc biệt là các nguồn FDI xanh.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cho rằng Việt Nam có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đi cùng với đó là cảnh báo cơ hội để mở rộng không gian cho tăng trưởng từ góc độ thu hút FDI và xuất nhập khẩu không còn nhiều. Thực tế, hệ sinh thái của Việt Nam còn kém, không đủ hấp dẫn để giữ chân các tập đoàn dẫn đầu về công nghệ. Đó là những rào cản về thủ tục hành chính còn chậm, an ninh năng lượng và cả vấn đề nhân lực khi dân số đang già hóa. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước phát triển thực hiện chính sách sàng lọc, hạn chế FDI vào một số ngành, lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc gia, khuyến khích chuyển nhà máy từ Trung Quốc về quốc gia lân cận hoặc sang nước thứ 3.

Trong khi đó, dòng vốn FDI xanh đang đổ dồn ở các nước phát triển do chính sách và trình độ nhân lực tại các nước đó. Nhiều nước đang phát triển cũng đã nhảy vọt về dòng vốn FDI xanh trong năm qua như Malaysia (43 tỉ USD) nhờ khung chính sách về biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng xanh, xuất khẩu công nghệ xanh.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương có thể là một thách thức.

Vì vậy, việc “nới lỏng các quy định” bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án xanh có thể là công cụ thu hút đầu tư toàn cầu vào những sáng kiến xây dựng xanh của Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam có thể đẩy nhanh đáng kể tiến độ đạt được mục tiêu bền vững của mình thông qua nguồn vốn FDI xanh.