Tập đoàn Alibaba hướng đến phát triển toàn diện
Tại Ngày hội Nhà đầu tư 2021 diễn ra trong 2 ngày 16-17/12 vừa qua, ban điều hành Tập đoàn Alibaba đã chia sẻ, Tập đoàn đang hướng đến sự phát triển toàn diện trong tương lai bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào các thành phố tuyến dưới và các thị trường quốc tế có tần suất mua sắm cao.
Tập trung vào các khu vực kém phát triển
Theo dữ liệu chính thức, sự thâm nhập của thương mại điện tử (TMĐT) ở các thành phố tuyến dưới và khu vực nông thôn Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, với tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) TMĐT tăng gấp 5 lần từ năm 2015 đến năm 2020.
Theo bà Trudy Dai, Chủ tịch TMĐT Công nghiệp và TMĐT Cộng đồng của Alibaba đồng thời là lãnh đạo của Tabao Deals và Taocaicai: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại và hình thành một doanh nghiệp M2C (mô hình trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng) số hóa, bền vững và lành mạnh”.
Chiến lược đa ứng dụng
Các thị trường bán lẻ của Alibaba đã phục vụ gần 900 triệu người tiêu dùng hoạt động hàng năm (AAC) ở Trung Quốc tính đến ngày 30 tháng 9 năm nay, với các nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi.
Ông Jiang Fan, Chủ tịch Taobao, Tmall và Alimama, cho biết: “Tối ưu hóa chiến lược đa ứng dụng để giải quyết các phân khúc người tiêu dùng khác nhau - từ người tiêu dùng trẻ đến người cao tuổi - sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho công ty, càng sử dụng nhiều ứng dụng thì mức độ gắn bó của người dùng đối với ứng dụng Taobao càng cao”.
Các dịch vụ địa phương
Để thâm nhập vào c thị trường dịch vụ địa phương đang phát triển nhanh chóng này, Alibaba đang tăng gấp đôi các dịch vụ địa phương để đáp ứng tức thì nhu cầu của người tiêu dùng. Kể từ tháng 7, các dịch vụ dựa trên vị trí của Alibaba, bao gồm Ele.me, Koubei, Amap và Fliggy, đã được “về chung một nhà” .
Kết nối người tiêu dùng và người bán một cách hiệu quả là chìa khóa để giành được thị trường dịch vụ địa phương, vì vậy chiến lược của Alibaba là tập trung vào việc phục vụ người tiêu dùng tại nhà và trên các chuyến đi. Theo ông Yu Yongfu, Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh Dịch vụ Phong cách sống thì số hóa đang thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao trải nghiệm người tiêu dùng trong cả hai trường hợp: “tại nhà” và “tại điểm đến”. Cũng theo ông Yu, Ele.me đã được hưởng lợi từ sự gia tăng tần suất mua hàng trên mỗi người dùng, từ đó thúc đẩy các đơn đặt hàng ngoài nhà hàng trong quý tháng 9 tăng 79% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các dịch vụ "tại điểm đến" do Amap cung cấp đã cộng hưởng với nền tảng du lịch trực tuyến Fliggy của Alibaba và giúp chỉ số GMV do Amap định hướng tăng trưởng đến hơn 50% trong tháng 10.
Hướng đến toàn cầu hoá
Alibaba đang thực hiện những bước tiến mới dựa trên nền tảng 1,24 tỷ người sử dụng hoạt động hàng năm trên toàn cầu của Tập đoàn, nhằm hướng tới mục tiêu dài hạn là phục vụ hai tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới. Theo ban điều hành Tập đoàn, Alibaba đang hướng đến mở rộng trên toàn Đông Nam Á và xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần toàn cầu vững chắc.
Trong đó, Lazada, thuộc tập đoàn Alibaba, đã phát triển trên sáu thị trường Đông Nam Á, với số lượng người tiêu dùng tích cực hàng năm là 130 triệu người, tăng 80% trong 18 tháng. Ông Li Chun, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lazada cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực phục vụ hơn 300 triệu người tiêu dùng và đạt được GMV là 100 tỷ USD mỗi năm.”
Một đơn vị toàn cầu khác của Alibaba là Cainiao cũng tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo giao hàng xuyên biên giới nhanh chóng, hiệu quả với chi phí hợp lý, bất chấp tác động của đại dịch đối với ngành hậu cần toàn cầu. Trong nửa đầu năm tài chính hiện tại, doanh thu quốc tế của công ty đã tăng hơn 40%.
Ông Wan Lin, Giám đốc điều hành của Cainiao Smart Logistics Network chia sẻ: “Chúng tôi coi toàn cầu hóa là một phần quan trọng trong chiến lược của Alibaba và Cainiao”. Ông cho biết thêm, doanh thu của Cainiao từ các dịch vụ liên quan đến xuyên biên giới hiện chiếm phần lớn tổng doanh thu.