Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 28/09/2022 19:30

Tăng tốc chuyển đối sang Nông nghiệp tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành xu hướng của các quốc gia. Theo đó, nông nghiệp Việt Nam cần phải tăng thêm hàm lượng tri thức để bắt kịp.

Nông nghiệp Việt Nam đang mang lại giá trị ngày càng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phụ phẩm lớn. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ không chỉ đem lại hiệu qua kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.

Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong lĩnh vực chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 5-6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, chỉ khoảng 20% nguồn thải ra môi trường được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% thải trực tiếp ra môi trường.

Tương tự. trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng, gây ô nhiễm môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải CO2 của ngành nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải metal 30% tính đến năm 2030 - đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam nói riêng và nông nghiệp nói chung.

 

Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nêu rõ, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia.

Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy cả nước tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nên nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

Có thể bạn quan tâm:

Phát triển công nghệ xanh cho vận tải biển