Ảnh: TL.
Tái sinh quần áo cũ
Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ cửa hàng tái chế thời trang Mèo Tôm Handmade, “có rất nhiều ý tưởng biến những món đồ cũ kỹ, lỗi mốt, chẳng muốn mặc nữa thành những món đồ mới, không đụng hàng như móc khóa, balo, lót cốc...”. Quần áo cũ còn có thể tái chế thành váy, áo croptop, áo trễ vai... xinh xắn và phong cách.
Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. Đa số chọn cách đơn giản hơn là gom cho từ thiện. Nhưng không phải quần áo cũ nào cũng phù hợp để gửi tặng và ngày càng ít tổ chức từ thiện nhận quần áo cũ. Nhiều cửa hàng đồ cũ cũng từ chối mua vì thường khó bán lại được giá tốt. Kết quả, theo Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng của Pháp, chỉ tính riêng tại châu Âu có tới 4 triệu tấn quần áo bị thải thành rác mỗi năm.
Lượng rác thải khổng lồ này chủ yếu là do ngành may mặc ngày nay đã biến thành “ngành công nghiệp dùng một lần” với các mẫu thiết kế liên tục tung ra và cổ vũ khách hàng thay đổi. Trong khi đó, sản xuất dệt may sản sinh ra nhiều khí thải carbon hơn cả vận tải biển và các chuyến bay quốc tế cộng lại. Viện Tài nguyên Thế giới cảnh báo, nếu không có sự kiểm soát, đến năm 2050, ngành may mặc sẽ tiêu tốn lượng tài nguyên gấp 3 lần năm 2000.
Xử lý chất thải may mặc đã trở thành vấn đề lớn của nhiều quốc gia. Một phong trào “thời trang chậm” đã được phát động và đang dần phát triển và người khởi xướng là Kate Fletcher, Giáo sư về bảo vệ môi trường, thiết kế và thời trang tại London. Lấy cảm hứng từ phong trào thực phẩm đang chậm lại, Fletcher nhận thấy ngành thời trang cũng cần phải chậm lại.
Một số thương hiệu thời trang như MUD Jeans ở Hà Lan tìm cách kéo dài tuổi thọ quần áo mà vẫn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Quần jeans của Hãng được sản xuất với mục đích tái sử dụng, sửa chữa và tái chế, sử dụng các kỹ thuật để cắt giảm hóa chất độc hại.
H&M thì đầu tư vào một loạt công nghệ tái chế mới và triển khai hệ thống tái chế hàng may mặc Looop. Chỉ với 100 đồng krona Thụy Điển, khách hàng thân thiết của H&M có thể sử dụng Looop để biến quần áo cũ của họ thành mới. Hãng còn tiến hành chương trình “Thu gom quần áo cũ” bắt đầu ở Thụy Sĩ (2012) và sau đó nhân rộng toàn cầu (2013).
Riêng ở Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Ngọc, quản lý truyền thông của H&M, cho biết: “Chương trình “Thu gom quần áo cũ” tiến hành từ năm 2018”. Bên cạnh việc đặt những thùng thu gom ở các cửa hàng H&M, thực hiện những chuyến xe cổ động đến các khu ký túc xá, trường đại học..., H&M còn tặng phiếu mua hàng giảm giá. Kết quả, trong 2 năm gần đây (2020-2021), H&M đã thu gom hơn 30.000 tấn quần áo và hàng dệt may cũ của khách hàng.
H&M đã tái sinh quần áo cũ thành 3 loại: Loại còn sử dụng được và bán lại trên thị trường (tái mặc lại); biến quần áo cũ thành sản phẩm khác (tái sử dụng); tái chế và biến phần dệt còn lại thành các vật liệu khác (tái chế). Mục tiêu đến năm 2030, 100% nguyên liệu của Hãng được tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hơn. Và thông qua sự đổi mới, H&M muốn đạt được sự tuần hoàn đầy đủ trong hoạt động của mình.
Tại Leinné, với chiến dịch Refinity, các sản phẩm tái chế được gia công cẩn thận, tỉ mỉ, mang nét cá tính riêng. Khách hàng đã nhiệt tình chia sẻ hình ảnh trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, Leinné lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng. The 31 thì chọn hướng đi kinh doanh với các sản phẩm có chất liệu thân thiện môi trường như vải organic linen 100% làm từ thực vật và không dùng nylon hoặc nhựa trong bao bì sản phẩm.
Ở quy mô lớn hơn, CL2B, công ty tư vấn chiến lược kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, kết hợp với Reserve Resources tạo tiền đề về dữ liệu rác thải và tối ưu hóa phân loại rác tại nguồn nhằm thúc đẩy công nghệ tái chế vải vụn ở Việt Nam. Dự án thu hút sự tham gia của những tên tuổi như Patagonia, New Balance, Puma, Far Eastern, Crystal, Saitex cùng một số tổ chức trong và ngoài nước khác như IDH, GIZ, World Bank, Vitas.
Ảnh: mudjeans.eu. |
Đây chính là điều người tiêu dùng muốn nhìn thấy. Theo nghiên cứu của Bain & Co, 89% người tiêu dùng mong đợi các thương hiệu công khai các hành động bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang xa xỉ. Vì thế, tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, trong thời gian tới, Bain dự đoán, các thương hiệu không chỉ tập trung vào việc tái sử dụng nguyên vật liệu, mà còn nên điều chỉnh toàn bộ mô hình kinh doanh. Bởi tiêu dùng bền vững, bắt đầu từ khâu chọn vật liệu, phương pháp thiết kế và cả tái sử dụng các vật liệu... đã và sẽ là lựa chọn trong tương lai gần.