Rõ ràng, nguồn tài chính dành cho các sáng kiến khí hậu rất dồi dào và các ý tưởng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng khả quan. Ảnh: shutterstock.com.

 
Nguyễn Hằng Thứ Bảy | 29/06/2024 07:30

Tài chính khí hậu: Kỳ vọng & thất vọng

Dù nguồn tài chính dành cho các sáng kiến khí hậu rất dồi dào nhưng còn rất nhiều rào cản phải vượt qua trước khi tiếp cận số vốn quan trọng này.

Đã là năm thứ 2 Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) được tổ chức tại Việt Nam và trên toàn thế giới và bà Rebecca Osmaston, Quản lý Chương trình CFA tại châu Phi và châu Á của CFA Toàn cầu, ngày càng cảm nhận rõ hơn việc số lượng startup khí hậu đạt được nguồn tài trợ tài chính không được như kỳ vọng. “Các dự án có những ý tưởng rất tuyệt vời, nhưng chúng tôi rất tiếc...”, bà kể về phản hồi chung của các quỹ đầu tư đã được họ kết nối.

Rõ ràng, nguồn tài chính dành cho các sáng kiến khí hậu rất dồi dào và các ý tưởng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng khả quan. Vậy điều gì đã tạo ra hố sâu ngăn cách giữa 2 bên?

Khoảng cách giữa các kỳ vọng

 “Chúng tôi đến đây để kêu gọi khoản đầu tư 5 triệu USD”, đại diện của Cenergy, một startup về pin xanh, nói về khoản tiền cần để mở một nhà máy nhằm sản xuất hàng loạt pin của họ sau khi thử nghiệm thành công. “Nếu không nhận được khoản tiền này, các anh có phương án khác để mở rộng quy mô không?”, đại diện Quỹ VinaCapital Ventures hỏi Cenergy.

 

Giống như Cenergy, phần lớn trong số 10 dự án đi đến vòng cuối của CFA 2024 chỉ vừa thử nghiệm thành công chứ chưa sản xuất thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Họ kỳ vọng nhận được những khoản tiền để đi vào giai đoạn sản xuất, trong khi các quỹ đầu tư lại cần sản phẩm đã được người dùng chứng thực, tức sản phẩm phải được bán. Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư, cho dù là dự án khí hậu, họ vẫn phải chứng minh được khả năng sinh lời.

“Chúng tôi có thể tìm hiểu về các startup trực tuyến”, đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm đã tham dự phiên thảo luận nói, “nhưng thật tuyệt khi có thể nghe trực tiếp từ những nhà sáng lập, để hiểu về tầm nhìn và nhiệt huyết của họ”.

Trong số những startup đã có kinh nghiệm đến với CFA mùa này có Selex, một công ty xe điện nhắm đến mô hình B2B hoặc B2B2C với 6 năm tuổi đời. Gọi vốn thành công 3 triệu USD trong vòng đầu tư trái phiếu chuyển đổi, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, đồng sáng lập kiêm CEO tại Selex Motors, có một cách nhìn khác về khoảng cách giữa nhà tài chính và nhà khởi nghiệp.

“So với khu vực và thế giới, con số gọi vốn của startup Việt tương đối thấp so với những điều có thể làm, mục tiêu đặt ra. Đó là thực trạng không ai mong muốn”, ông Nguyên nhận xét. CEO của Selex cho biết có nhiều lý do, trong đó có quy mô thị trường và mức độ trưởng thành của môi trường hỗ trợ. “Cùng một startup nhưng ở thị trường lớn có thể được định giá cao hơn”, ông Nguyên nói về định giá tại Indonesia, nơi có quy mô dân số gấp 3 lần Việt Nam. “Hoặc tại Singapore, họ có môi trường đầu tư minh bạch hơn”, ông nói thêm. Những khác biệt này dẫn đến chênh lệch về kỳ vọng giữa các bên trong thương vụ đầu tư mạo hiểm.

 

Sau 2 mùa, bà Rebecca Osmaston, đồng thời là Giám đốc Phát triển bền vững của PwC London, nhận thấy những khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ tài chính cho startup công nghệ xanh đến từ việc thiếu nguồn tài trợ, đặc biệt là tài trợ thiên thần.

Điều này có nghĩa là nhiều ý tưởng không thể tiến tới giai đoạn chứng minh khái niệm và tạo doanh thu. Do đó, không có đủ các công ty khởi nghiệp chất lượng cao vượt qua các vòng tài trợ ban đầu cho các quỹ giai đoạn sau để triển khai tất cả số tiền họ đã huy động được. “Khoảng cách giữa nguồn tài trợ ban đầu, tiền hạt giống và cấp độ chuỗi A và B là cái mà chúng tôi gọi là thung lũng tử thần đối với các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu”, bà Rebecca Osmaston phân tích.

Quy mô nhỏ của nhiều dự án cũng là một trở ngại. Điều này có nghĩa là chi phí giao dịch tương đối cao, như thời gian và chi phí liên quan đến việc thẩm định, khiến dự án ít hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 35% lượng giảm phát thải vào năm 2050 sẽ đến từ các công nghệ chưa có trên thị trường, tức là các công nghệ xanh đang ở giai đoạn trình diễn hoặc nguyên mẫu. Do vậy, đầu tư vào công nghệ xanh đòi hỏi nhận thức cao về mức độ rủi ro, điều dường như còn thiếu trên thị trường.

Công nghệ xanh và mô hình kinh doanh của chúng thường xa lạ với một số nhà đầu tư truyền thống ở các thị trường đang phát triển và mới nổi. Đối với các nhà đầu tư, việc đầu tư vào một công nghệ mới hoặc một công nghệ chưa được thử nghiệm tốt ở một quốc gia hay khu vực được coi là một khoản đầu tư có rủi ro cao.

Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc kết nối với nhà đầu tư. “Những nhà sáng lập công nghệ xanh thường có những ý tưởng hoặc sản phẩm mạnh mẽ mà họ đam mê, nhưng nếu các nhà sáng lập công nghệ không đơn giản hóa cốt truyện và thông điệp của họ thì có khả năng nhà đầu tư sẽ không còn hứng thú nữa”, người quản lý chương trình CFA nhận xét.

Đó là nơi mà họ bước vào, để bắc cây cầu qua khoảng vênh này. Không trực tiếp cung cấp tài chính, chương trình CFA với tổng kinh phí 12 triệu USD giúp lấp khoảng cách giữa nhà đầu tư với các dự án tiềm năng nhằm giải quyết các vấn đề khí hậu. Đã có 33 nhà đầu tư đến để tìm hiểu và phản biện những dự án về khí hậu năm nay. Con số này gấp đôi số lượng đã đến vào năm ngoái, mùa đầu tiên CFA được tiến hành.

Gần đây, Chính phủ Vương quốc Anh đã tuyên bố chi 40 triệu bảng Anh để kéo dài CFA từ cuối năm 2024 đến năm 2029, hỗ trợ tối đa 750 dự án carbon thấp tại tối đa 16 quốc gia, bao gồm Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực và tiếp cận các cơ hội tài chính.

CFA cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án, chẳng hạn như giúp họ hoàn thiện những mô hình tài chính để chuẩn bị cho họ tham gia đầu tư. Họ cũng giúp các dự án xác định các loại bên tham gia tài chính phù hợp nhất cho nhu cầu dự án của họ, như vốn sở hữu, vốn vay, tài chính hỗn hợp và giúp kết nối các dự án với những nhà tài trợ có liên quan tại các sự kiện trực tiếp như tại sự kiện này. “Nếu không có sự hỗ trợ, một số lượng lớn các công ty sẽ không thể hoạt động ở quy mô lớn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết thách thức khí hậu trên toàn cầu và đặc biệt ở Việt Nam”, bà Rebecca Osmaston nói thêm.

 

Cần mạng lưới 

Một nghiên cứu được PwC phát hành vào đầu năm 2024 cho biết Việt Nam, cũng như phần lớn phần còn lại của thế giới, đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam đã không đạt gần đến tỉ lệ giảm phát thải carbon theo yêu cầu là 17,2% hằng năm.

Theo số liệu từ OECD, năm 2022 tài chính cho khí hậu đã tăng 30% so với năm 2021, tương đương 26,3 tỉ USD. Đây là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước cho đến nay và có nghĩa là mốc 100 tỉ USD đã đạt sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó của OECD, mặc dù muộn hơn 2 năm so với mục tiêu ban đầu là năm 2020.

“Hãy xem xét tác động môi trường và thành công về mặt thương mại cùng một lúc”, đại diện của một quỹ đầu tư góp ý với các dự án. “Dù là dự án khí hậu hay không, họ cần chứng minh được khả năng mở rộng”, ông Lê Trung Hiếu, chuyên gia phân tích của VinaCapital Ventures, phân tích. Ông Hiếu cho rằng để có thể giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, sản phẩm phải có thể tiếp cận được số lượng lớn người dân ở cấp quốc gia và khu vực.

“Đó là hiệu ứng tập thể, không ai có thể một mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, chuyên gia của VinaCapital Ventures cho biết. Các quỹ đầu tư nghĩ trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, cần tất cả các bên liên quan cùng nhau tham gia, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, thị trường.

 

Đặt lên bàn cân với những dự án khởi nghiệp khác, các dự án về khí hậu có thể sẽ kém hấp dẫn hơn về mặt lợi nhuận. Tuy vậy, tác động tích cực vào cuộc chiến biến đổi khí hậu nên được tính vào ngoại tác tích cực mà những dự án này tạo ra. “Cần có các tiêu chí khác để đánh giá những dự án khí hậu”, ông Nguyên gợi ý. Ông cũng cho rằng trong khi hầu hết các quỹ đầu tư vẫn đặt tính khả thi về mặt kinh tế lên hàng đầu, cần có những nguồn vốn từ Nhà nước hay các nguồn hỗ trợ coi trọng tác động đến môi trường (hơn lợi nhuận).

“Nhiều dự án của chúng tôi phải xem xét nhiều cơ chế tài trợ khác nhau và đây là điều mà CFA hỗ trợ họ thực hiện”, bà Rebecca Osmaston cho biết. Ngoài tính linh hoạt của các dự án, điều quan trọng là nhà đầu tư phải cân nhắc điều chỉnh những khuôn khổ truyền thống mà họ sử dụng để đánh giá các dự án nhằm đảm bảo rằng chúng đang xem xét những tác động lâu dài như giảm phát thải hoặc đóng góp vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Khi bối cảnh pháp lý tiếp tục thay đổi, việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tập trung vào khí hậu không chỉ có ý nghĩa từ góc độ khí hậu mà còn có ý nghĩa về mặt thương mại.

Nguồn tài trợ ở giai đoạn mạo hiểm rất quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp về khí hậu, nhưng cần nhiều tài chính hơn để mang lại tác động đáng kể; không chỉ là vốn mạo hiểm mà còn là vốn tăng trưởng để giúp các công ty khởi nghiệp mở rộng nhanh chóng và tài trợ để giúp các công ty và chính phủ triển khai các giải pháp khí hậu trên diện rộng. Những người sáng lập cần khám phá tất cả các nguồn vốn có thể, bao gồm các khoản vay của chính phủ và các chương trình khuyến khích. Điều quan trọng nữa là những thay đổi trong chính sách và tiêu chuẩn cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức thuộc mọi quy mô và lĩnh vực.

“Hành trình tạo ra những giải pháp có tác động mạnh mẽ này có thể rất khó khăn, nhưng chính niềm đam mê và sự kiên trì của bạn sẽ giúp bạn vượt qua. Vì vậy, hãy tin vào tầm nhìn của bạn và luôn cam kết với mục tiêu của mình”, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam, nhắn nhủ với các dự án.

Ông Abhinav đồng tình với những nhà đầu tư rằng dự án cần phải có quy mô lớn, cần phải có ý nghĩa, cần được nhìn thấy. Nếu không có tác động đến câu chuyện tăng trưởng quốc gia rộng lớn hơn của bạn, thì dự án sẽ không chuyển động về hướng mà các nhà sáng lập đang nhìn. “Chúng tôi hiểu rằng có niềm đam mê nhưng thực tế thị trường cần được xem xét”, ông Abhinav kết luận.

Có thể bạn quan tâm 

Nội khử bền vững, ngoại bù giả xanh