Dầu mỏ ngày càng khan hiếm và có giá cả biến động khó lường, vì vậy rác thải nhựa vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường sống. Ảnh: T.L.
Tái chế nhựa có thể giúp Việt Nam thu hồi gần 3 tỉ USD mỗi năm
“Với chỉ khoảng 33% rác thải nhựa được tái chế, Việt Nam đang mất gần 70% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2-2,9 tỉ USD mỗi năm”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam nói. Bài nói chuyện của bà là một phần trong Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2023 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 16/11/2023 vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: T.L. |
Dầu mỏ ngày càng khan hiếm và có giá cả biến động khó lường, vì vậy rác thải nhựa vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường sống. Theo đại diện Unilever Việt Nam, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ. “Thay đổi mối quan hệ với nhựa, không chỉ dùng 1 lần hay vài lần rồi bỏ đi. Nhựa có thể được tái sinh để tiếp tục phục vụ chúng ta”, nữ Chủ tịch của Unilever Việt Nam cho hay.
Để thực hiện được tuần hoàn nhựa, bà Vân cho rằng cần các yếu tố quan trọng như thiết kế, hợp tác, nhận thức. Về nhận thức, từ nhiều năm qua, Unilever luôn tích cực thúc đẩy các sáng kiến để cải thiện vật liệu bao bì phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Sự hợp tác được thể hiện qua sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC), được ký kết vào tháng 2/2020 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp gồm Unilever Việt Nam, SCG và Dow. Việc hợp tác này nhằm quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc. Sau 3 năm, PPC đã có gần 30 thành viên từ các thành phần khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa như Duy Tân, đơn vị thu gom như Vietcycle, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail.
PPC đã thu gom và tái chế được 25.000 tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống. Những nhà sản xuất như Unilever sẽ sử dụng hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành chai nhựa mới. Các nhà phân phối như bán lẻ sẽ mang những sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh đến tay người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra.
“Điều đặc biệt hơn, chúng tôi đã kết nối và cải thiện đời sống cho 2.500 lao động ve chai, phần lớn là phụ nữ. Chúng tôi còn tôn vinh họ để họ được có được vị trí tốt hơn trong xã hội. Unilever Việt Nam cũng liên tục truyền thông về vấn đề phân loại rác tại nguồn cho gần 12 triệu người dân thông qua các kênh truyền thông để giúp người dân nâng cao nhận thức”, bà Vân nói.
“Chúng ta cần thay đổi mối quan hệ với nhựa một cách bền vững hơn”, bà Vân kêu gọi. Theo bà, điều này sẽ giúp giải phóng được giá trị vật liệu lên đến gần 3 tỉ USD/năm, giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường, kinh tế tuần hoàn nhựa cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, đại diện Unilever Việt Nam kiến nghị cần sự hợp tác chặt chẽ, quyết liệt từ các cơ quan nhà nước, nhà thu gom, tái chế, đến các tổ chức quốc tế, nhà phân phối. Việt Nam cần đầu tư cho các công nghệ tái chế hiện đại, hiệu quả cho những loại nhựa phổ biến và hệ thống thu gom bài bản, đồng thời cần có chính sách khuyến khích cho những doanh nghiệp sử dụng nhựa tái sinh để giải quyết đầu ra và phát triển ngành tái chế nhựa.
“Đặc biệt, chúng ta cần khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn để có đầu vào chất lượng cho tái chế”, bà Nguyễn Thị Bích Vân kết luận.