Hơn 20 năm trước, chỉ với một chiếc xe tải, những người sáng lập nên OzHarvest (Úc), đã bắt đầu mô hình doanh nghiệp xã hội bằng việc thu gom thực phẩm dư thừa. Ảnh:TL.

 
An Hạ Thứ Tư | 15/01/2025 15:34

Số phận mới của thực phẩm

Làm cầu nối chuyển giao thực phẩm giữa nơi cho và nơi nhận, VietHarvest không nghĩ câu chuyện của mình lại có thể truyền cảm hứng như vậy.

Cuộc gọi từ khách sạn Park Hyatt Saigon lúc 12 giờ trưa khiến Ngô Phương Anh bất ngờ. “Chúng tôi có thực phẩm muốn ủng hộ nhưng không đủ chỗ chứa”, người ở đầu dây bên kia nói với Giám đốc Điều hành miền Nam của VietHarvest tại Việt Nam.

Cho đi và nhận lại

Lịch không trong kế hoạch, bà Phương Anh vội lấy ô tô của mình làm phương tiện vận chuyển. Sau khi nhận hàng chục kg thực phẩm từ khách sạn, nữ Giám đốc để chúng bên cạnh ghế lái và bật điều hòa nhiệt độ xe xuống 160C - mức thấp nhất, chĩa thẳng quạt gió vào “món hàng” đặc biệt trên xe. “Dù ai là người hưởng thụ cuối cùng, thực phẩm vẫn phải được bảo quản tốt nhất có thể”, bà kể lại.

Hơn 20 năm trước, chỉ với một chiếc xe tải, những người sáng lập nên OzHarvest (Úc), đã bắt đầu mô hình doanh nghiệp xã hội bằng việc thu gom thực phẩm dư thừa, sau đó phân phát lại cho người vô gia cư trên đường phố Sydney. Tới nay, OzHarvest trở thành một tổ chức thiện nguyện quốc tế đã cung cấp khoảng 250 triệu bữa ăn trên toàn cầu, giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm và hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế bị đói ăn. Mô hình thành công của OzHarvest dẫn tới ý tưởng ra đời VietHarvest vào năm 2020.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội này thu gom thực phẩm dư thừa từ khách sạn, nhà hàng, siêu thị, nông trại... ở 2 đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM. Sau khi thực phẩm được kiểm tra, phân loại, VietHarvest chuyển miễn phí tới các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm. Hiện tổ chức của bà Phương Anh làm cầu nối giữa bên cho và bên nhận bằng 2 cách. Thứ nhất, thực phẩm sau tiếp nhận sẽ được chuyển thẳng đến nhà bếp của các mái ấm để chế biến thành bữa ăn cho trẻ. Thứ 2, VietHarvest hợp tác với khoảng 20 đầu bếp tại nhà hàng, khách sạn 5 sao, sử dụng nhờ bếp ăn của họ để nấu bữa ăn từ thực phẩm dư thừa.

Đến nay, riêng tại TP.HCM, Annam Gourmet, Vietnam Airlines hay các khách sạn 5 sao như Pullman Saigon Centre, Park Hyatt Saigon, Sofitel Saigon Plaza... có nguồn thực phẩm thừa với chất lượng tốt, sẽ chuyển cho VietHarvest. Hiện tại, do e ngại vệ sinh an toàn thực phẩm, VietHarvest chỉ nhận thực phẩm từ đơn vị lớn, chưa nhận từ các quán ăn nhỏ dù lượng dư thừa ở đây rất nhiều.

“Cần hiểu rằng, thực phẩm dư thừa không phải là đồ ăn còn lại trên đĩa của thực khách mà là thực phẩm không được dùng hoặc chưa được sử dụng”, bà Phương Anh giải thích thêm.

Sự đáp đền

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), lượng thực phẩm bị lãng phí tại Việt Nam đang ở mức từ 67-88 kg/người/năm tùy từng khu vực. Tiến sĩ Trương Thục Tuyền, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng tại Đại học RMIT Việt Nam, dẫn thêm báo cáo, cư dân nông thôn Việt Nam đang tạo ra lượng thực phẩm bị lãng phí là 423 gram/người/ngày, cao hơn so với cư dân thành thị (285 gram/người/ngày). Song gần 50% thực khách đô thị thường xuyên bỏ thừa thực phẩm khi ăn uống bên ngoài. Dù khó so sánh chính xác nhưng mức độ lãng phí tại Việt Nam tương đương nhiều quốc gia, thành phố phát triển.

Về mặt môi trường, lãng phí thực phẩm không chỉ tiêu tốn các nguồn tài nguyên quý giá mà còn làm tăng lượng khí nhà kính, đe dọa đa dạng sinh học. Về kinh tế, lãng phí thực phẩm tăng gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, đồng thời làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo, mất an ninh lương thực, đặc biệt đối với cộng đồng thu nhập thấp. Về xã hội, tình trạng này phản ánh sự yếu kém trong quản lý và đạo đức, đồng thời làm gia tăng khoảng cách giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

VietHarvest mang ý nghĩa nhất định khi tham gia giải quyết những vấn đề này. Sau thời gian hoạt động, đã có khoảng 40 tấn thực phẩm được doanh nghiệp xã hội này chuyển mục đích sử dụng, tương đương cung cấp 80.000 bữa ăn cho cộng đồng. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 800 trẻ em ở các đơn vị như Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM; Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật (quận 3); mái ấm của Christina Noble Children’s Foundation...

Câu chuyện giải cứu thực phẩm đã truyền cảm hứng nhiều hơn những gì vị nữ Giám đốc nghĩ. VietHarvest từng xin thuê xe tải lạnh của ABA Cooltrans với chi phí thấp để vận chuyển. Nhưng khi đọc hồ sơ dự án, ông Lương Quang Thi, Chủ tịch Điều hành ABA Cooltrans, đã quyết định miễn phí chở thực phẩm thừa ở 2 đầu đất nước từ tháng 11/2023. “Trong toàn bộ dự án, những người cho rất tuyệt vời và những người nhận cũng đáng trân trọng”, ông Thi nói.

VietHarvest đặt mục tiêu thiết lập địa điểm làm kho lưu thực phẩm và bếp nấu tại TP.HCM trong năm 2025. Ngôi nhà này sẽ là nơi diễn ra các hoạt động để doanh nghiệp xã hội có nguồn tài chính, tiếp tục vận hành. VietHarvest hướng tới tổ chức team building có thu phí gồm phục vụ bữa ăn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm nhằm giảm thiểu tối đa lãng phí; chế biến thực phẩm dư thừa và trao tới mái ấm. Mô hình cần có nguồn lực để duy trì chứ không phải mở lên rồi lại đóng trong thời gian ngắn.